Site icon MUC News

Xây nhà máy điện hạt nhân sát Việt Nam, sự tham lam, liều lĩnh và thiển cận sẽ dẫn Trung Quốc tới đâu?

Tin tức về việc chính phủ Trung Quốc phê duyệt mở rộng 2 nhà máy điện hạt nhân, trong đó có một cơ sở nằm sát Việt Nam, đã thu hút sự chú ý của công chúng Việt. Báo SCMP hôm 3/9 đưa tin nội các Trung Quốc đã phê duyệt cho hai dự án này với ngân sách dự kiến ​là 70 tỉ nhân dân tệ (khoảng 10,24 tỉ USD).

Dự án nhà máy điện hạt nhân ở đảo Hải Nam chỉ cách đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam khoảng hơn 100km và dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Trong khi dự án ở tỉnh Chiết Giang có thể đi vào hoạt động từ năm 2025.

Vị trí các nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc được phân loại theo trạng thái: đang hoạt động (tím), đang xây dựng (xanh), và kế hoạch (vàng). Nguồn: Hiệp hội hạt nhân Thế giới.

Vào tháng 6/2019, Bắc Kinh cũng đã phê duyệt đầu tư 3 dự án nhà máy điện hạt nhân khác. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần nhỏ trong tham vọng hạt nhân thiển cận và liều lĩnh của Trung Quốc.

Tham vọng soán ngôi Mỹ

Trung Quốc đang vận hành và xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân khác, nhắm tới việc vượt qua Mỹ để giành vị trí hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất điện hạt nhân.

Hiện tại, Hoa Kỳ dẫn đầu ngành năng lượng hạt nhân thế giới, với công suất hoạt động khoảng 98.000MW. Pháp đứng vị trí thứ 2 với khoảng 62.000MW, Trung Quốc đứng thứ ba khoảng 45.000MW.

Kế hoạch soán ngôi của Trung Quốc là khả thi. Tờ Nikkei nhận định, Trung Quốc đang trên đà có thể vượt qua Mỹ về năng lượng hạt nhân vào năm 2030. Nhưng điều đáng lưu ý là Mỹ và các nước khác hiện không mặn mà với công nghệ điện hạt nhân.

Xu hướng từ bỏ điện hạt nhân

Theo Nikkei, sau sự cố Fukushima hồi tháng 3/2011 tại Nhật Bản, các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản có xu hướng từ bỏ năng lượng hạt nhân do lo ngại về vấn đề an toàn và môi trường.

Sau thảm họa Fukushima, Nhật Bản đã áp đặt các quy định cứng rắn đối với các nhà máy điện hạt nhân, trong đó 24/50 lò phản ứng phải ngừng hoạt động, một số kế hoạch phát triển mới đã bị đình chỉ.

Trong khi đó, Hoa Kỳ đang tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn nhiệt mặt trời và điện gió. Hồi tháng 2/2020, Pháp đã bắt đầu đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fessenheim sau 43 năm hoạt động. Nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Đức, cũng thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hạn chế dần và xóa bỏ hoàn toàn ngành điện hạt nhân.

Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc dốc sức vào năng lượng hạt nhân đặt ra một nghi vấn mà CNN đề cập rằng Trung Quốc đang đặt cược tương lai vào hạt nhân. Rất dễ nhận thấy là tư duy của Trung Nam Hải vô cùng lạc hậu, tham lam, ngắn hạn và liều lĩnh. Chiến lược này sẽ biến đất nước 1,4 tỷ dân thành một bãi phế thải hạt nhân không lồ, liên tục hút về mình những công nghệ và thiết bị lạc hậu mà các nước phát triển cố gắng thải loại càng nhanh càng tốt.

Ngay cả khi Trung Quốc cố gắng phát triển mới những dự án hạt nhân bằng công nghệ và thiết bị bắt chước, lai căng của mình, thì cái được cũng chẳng bõ cho cái mất.

Mối nguy hiểm khó lường

Thảm họa Fukushima là hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả các quốc gia có nhà máy hạt nhân ven biển. Nó chỉ rõ sự nguy hiểm của quá trình phát tán phóng xạ, gây ô nhiễm nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra những sự cố như sóng thần, động đất, xung đột quân sự… cũng như hàng loạt rủi ro kỹ thuật nội tại khác.

Theo khảo sát do chính quyền Bắc Kinh thực hiện tháng 8/2017, chỉ có 40% người dân Trung Quốc ủng hộ phát triển điện hạt nhân. Năm 2016, kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý chất thải hạt nhân ở phía đông tỉnh Giang Tô đã bị hủy bỏ do vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của người dân địa phương.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: kremlin.ru).

Hãng tin CNN đã dẫn lời một nhà phân tích thuộc tổ chức Carnegie Endowment về vấn đề này. Theo đó, chuyên gia Mark Hibbs cho biết, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức do văn hóa an toàn công nghiệp yếu kém, tồn tại trong suốt lịch sử của họ. Trong khi đó, quá trình phát triển ồ ạt ngành năng lượng hạt nhân đã làm quá tải gánh nặng vốn có đối với năng lực quản lý thấp kém của chính quyền Đại lục. Mark nhận định “nhiều lò phản ứng điện hạt nhân hơn ở Trung Quốc đồng nghĩa với rủi ro lớn hơn”.

Bất chấp những vấn đề liên quan đến an toàn, sức khỏe và môi trường, phớt lờ phản ứng của công chúng, Bắc Kinh vẫn tiến hành các dự án hạt nhân liều lĩnh và thiển cận của họ, trong đó có việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở đảo Hải Nam, ngay sát Việt Nam. Tham vọng hạt nhân của Trung Quốc không chỉ là nguy cơ diệt chủng hiện hữu đối với dân tộc Trung Hoa, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đối với toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, Biển Đông, tất cả các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á…