Site icon MUC News

Youtube: Ăn ‘cá nhảy’ to bằng bắp chân, mạo danh hay xúc phạm văn hóa ẩm thực?

Trên nền tảng YouTube, không khó tìm thấy những video mô tả cảnh ăn uống ghê rợn được “gắn mác” là của đồng bào người Thái. Mới đây như Báo Thanh Niên đưa tin, có video ăn cá sống to như bắp chân của Sa Pa TV. Đồng thời, trên các kênh Nhịp sống Tây Bắc, Duy Thao, Hoa Ban Tây Bắc… bạn trẻ có thể tìm thấy rất nhiều video có cảnh ăn uống những món như sách dê thịt dê tái chấm pịa dê sống, tiết canh cá trắm, gỏi cá nhảy con to siêu khủng, pịa bò sống…

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi trẻ.

Thế nhưng, có không ít ý kiến cho rằng liệu đây thực sự là văn hóa bản địa hay chiêu trò câu view bẩn của một số thanh niên thiếu hiểu biết?

Thạc sĩ Quản lý văn hóa Cầm Trang Thơ, một người Thái đang sinh hoạt trong Nhóm người Thái ở Hà Nội và Nhóm giao lưu văn hóa Thái Việt Nam, bức xúc với việc xuất hiện nhan nhản các kênh YouTube làm ra các món ăn kinh dị, phản khoa học nhưng nói đó là món ăn của người dân tộc Thái. “Hoặc, họ không nói là của người Thái nhưng dựa vào các món ăn có từ lâu đời của người Thái khiến nhiều người dân tộc khác lầm tưởng đó là món ăn của người Thái”, chị Thơ nói.

“Cá nhảy của người Thái được coi là một món ăn tao nhã, người ta chọn những con cá nhỏ, thường phải là cá ở suối nước trong và sạch và là loại cá nhỏ, ruột nhỏ, loại cá ít tiếp xúc với bùn… về thả vào chậu 1-2 ngày và thay nước liên tục cho cá phun hết bùn, sau đó lại rửa sạch thả tiếp vào chậu nước sạch. Trước khi ăn phải chuẩn bị pha chế nước chấm. Nước ngâm cá không thể thiếu là nước măng chua đã cô đặc để khử hết mùi tanh cũng như tiêu diệt các vi khuẩn có hại trong cá. Bên cạnh đó, không thể thiếu các loại lá gia vị, chống tanh, chống đau bụng giun sán, lá để cuốn. Khi ăn người ta sẽ thả cả vào bát nước măng chua một lúc để ngấm, sau đó đặt cá và các lá gia vị khác vào lá cuốn, cuốn chặt rồi chấm vào đồ chấm đã chuẩn bị sẵn rồi mới ăn, ăn cũng nhẹ nhàng tao nhã. Vậy mà món cá nhảy bây giờ đã bị biến tướng. Nhiều người làm YouTube bắt ngay những con cá to bằng 3 ngón tay trở lên, rồi to như bắp chân từ ao lên, ăn sống luôn, nhai “tộp tộp”. Nhìn người ta đưa cá vào miệng, chúng tôi thấy ghê rợn”, chị Thơ bức xúc.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi trẻ.

Chia sẻ ẩm thực hay trục lợi câu view?

Anh Hoàng Hải, chủ kênh YouTube Sa Pa TV, giới thiệu rằng các video này được làm để chứng minh rằng những món ăn đó không đáng sợ như nhiều người nghĩ, theo báo Tuổi trẻ.

Khi truy cập vào các kênh của anh Hải, dễ dàng nhận thấy những video có tiêu đề nhắc tới hai chữ “ăn sống” có lượt xem cao hơn hẳn các video khác. Ví dụ video “Ăn thịt dê sống nguyên con” đạt hơn 1.6 triệu, “Món pịa bò sống mổ ra là ăn luôn cho nóng” đạt hơn 1.3 triệu.

“Tôi cảm giác buồn nôn khi xem video này (ăn cá sống to bằng bắp chân – PV), Thật là man rợ. Tức giận đến nghẹt thở khi họ cho là ẩm thực Thái Sơn La”, Lò Bình Minh, người dân tộc Thái, thành viên Nhóm Giao lưu văn hóa Thái Việt Nam chia sẻ.

Còn về món pịa, chị Cầm Trang Thơ có chia sẻ như sau:

“Pịa được lấy từ một đoạn không phải ruột già, càng không phải dạ dày của con bò con dê, pịa người ta lấy phần ruột non nhất mà trong đoạn ruột non đó thức ăn đã chuyển hóa thành chất dinh dưỡng và là phần chứa những chất tinh túy của con vật, không phải là chất thải, sau đó được lựa chọn kỹ lưỡng đảm bảo không có ký sinh trùng, cho đủ các gia vị như: mak khén, húng quế, lá chanh, tỏi ớt… nấu chín để đặc sệt, tạo thành một món chấm thịt mùi thơm. Hoặc người ta thái mỏng bộ lòng của con trâu, dê, đã làm sạch, luộc chín cho vào pịa tạo thành món canh pịa đặc trưng của món ăn dân tộc Thái Tây Bắc. Ăn pịa lúc đầu thấy hơi đắng một chút, nhưng sau sẽ ghiền vì rất ngon, tốt cho sức khỏe. Người dân tộc Thái thường chỉ làm pịa trâu, bò, dê, chứ không phải con nào cũng dùng làm pịa được.”

“Tuy nhiên, món pịa bây giờ được nhiều kênh YouTube đăng tải, nó được lấy nguyên từ dạ dày (bao tử) của con thú, bất kể trâu, dê hay bò, thậm chí cả của con lợn. Ăn như vậy là toàn chất thải của con vật, sắp chuẩn bị chuyển thành phân ở ruột già, với bao nhiêu sán, ấu trùng gây bệnh. Tôi từng xem một kênh làm món kinh dị này. Tôi gọi điện ngay tới các kênh này, nói với họ là các em đã làm sai với văn hóa người Thái rồi, đừng làm nữa nhưng họ bảo thủ không nhận sai”, chị Thơ cho hay.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi trẻ.

Cần chung tay lên án các hành động “xấu xí” này

Việc ăn sống kéo theo những hậu quả khôn lường về sức khỏe. Riêng ăn cá sống làm tăng nguy cơ nhiễm sán dây cá, gây nên các triệu chứng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, tắc ruột, nôn ói ra nhiều thước sán dẫn tới nghẹt thở, thậm chí là còn gây trụy tim mạch.

Những video trên cũng làm biến tướng ẩm thực truyền thống của cộng đồng người dân tộc miền núi, làm sai lệch thực tế là kỳ thị, xúc phạm người dân tộc, khiến mọi người có những suy nghĩ sai lệch về nếp sống, văn hóa của người dân tộc miền núi.

Tiến sĩ Vũ Thế Long nói trên sóng truyền hình VTV: “Ăn sống là một trải nghiệm trong ẩm thực của người Việt, không riêng gì đồng đào dân tộc thiểu số mà người Kinh cũng có ăn sống.

Nhưng ăn sống một cách văn minh, sạch sẽ chứ không phải bắt bỏ con cua, con cá rồi cho vô miệng. Không thể ăn bừa bãi rồi nói đó là văn hóa. Tôi cho rằng những người đó không biết gì. Hành động đó là tuyên truyền cho một lối sống phản khoa học, phản vệ sinh mà chúng ta phải lên án”.