Giới phân tích cho rằng chính quyền Trung Quốc đang thực hiện 3 loại chiến tranh nhằm xâm nhập phương Tây; bao gồm: Chiến tranh tâm lý; Chiến tranh dư luận; Chiến tranh pháp lý.
Tóm tắt nội dung
Báo cáo về 3 loại chiến tranh của Trung Quốc
Theo The Epoch Times, “ba loại chiến tranh” này ít được biết đến ở phương Tây; nhưng chúng là những chiến lược quan trọng giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chống lại thế giới tự do mà không cần bắn một phát súng nào.
Với chiến tranh tâm lý, ĐCSTQ tìm cách làm mất tinh thần đối phương. Chiến tranh dư luận là tìm cách định hình tư tưởng của quần chúng. Chiến tranh pháp lý là tìm cách sử dụng các hệ thống luật pháp để ngăn chặn các cuộc tấn công của kẻ thù.
Ba loại chiến tranh này được giải thích trong một báo cáo dài 650 trang được công bố gần đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược các Trường Quân sự (IRSEM), một cơ quan thuộc Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp.
Báo cáo này đưa ra một đánh giá toàn diện về các hoạt động gây ảnh hưởng trên toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hoạt động này được thực hiện thông qua ba loại chiến tranh nêu trên; kết hợp với một học thuyết quan trọng khác của ĐCSTQ, gọi là “Mặt trận thống nhất”. Báo cáo cho biết những thứ này thúc đẩy một chiến dịch mở rộng ảnh hưởng và thâm nhập của ĐCSTQ vào các nền dân chủ phương Tây.
Mặt trận Thống nhất là gì?
Mao Trạch Đông mô tả Mặt trận Thống nhất là “vũ khí ma thuật” của ĐCSTQ. Theo báo cáo của Pháp, Mặt trận Thống là một chiến lược giúp ĐCSTQ “loại bỏ kẻ thù bên trong và bên ngoài; kiểm soát các nhóm có thể thách thức quyền lực của nó; xây dựng một liên minh xung quanh Đảng để phục vụ lợi ích của Đảng; và vươn rộng tầm ảnh hưởng của Đảng ra nước ngoài.”
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh phương Tây đang gia tăng chống lại các cuộc xâm nhập của ĐCSTQ như các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, cưỡng bức kinh tế và sự hung hăng của quân đội Trung Quốc.
Mục tiêu thâm nhập của ĐCSTQ là khắp thế giới
Với các chiến lược như vậy, ĐCSTQ đã xây dựng một cơ sở hạ tầng rộng lớn trên phạm vi toàn cầu; bao gồm một mạng lưới rộng lớn các thành phần nhà nước và phi nhà nước để thực hiện các kế hoạch của mình.
Theo IRSEM, các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh ở nước ngoài có hai mục tiêu chính: “dụ dỗ và khuất phục công chúng nước ngoài bằng cách tạo ra luận điệu tích cực về Trung Quốc” và “trên hết là xâm nhập và ép buộc”.
Báo cáo nêu rõ: “Sự xâm nhập là nhằm mục đích từ từ thâm nhập vào các xã hội đối lập nhằm cản trở mọi khuynh hướng hành động chống lại lợi ích của ĐCSTQ”.
“Cưỡng chế tương ứng với việc mở rộng dần dần phong cách ngoại giao theo kiểu ‘trừng phạt’ hoặc ‘cưỡng chế’; để trở thành một chính sách trừng phạt có hệ thống đối với bất kỳ nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân nào đe dọa lợi ích của ĐCSTQ.”
Các mục tiêu của ĐCSTQ là nhắm vào toàn xã hội. Các lĩnh vực chủ yếu bao gồm giáo dục, truyền thông, chính trị, văn hóa và truyền thông xã hội.
Hoạt động của Mặt trận Thống nhất
Báo cáo nêu rõ, phần lớn hoạt động của Mặt trận Thống nhất ở nước ngoài của ĐCSTQ được thực hiện thông qua “mạng lưới trung gian vô danh”. Mạng lưới này được điều phối chặt chẽ bởi các cơ quan của ĐCSTQ; như các đại sứ quán, lãnh sự quán Trung Quốc, và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng.
Trong một bài phát biểu năm 2020, ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khi đó cho biết ĐCSTQ đã chỉ đạo hàng nghìn nhóm người ở nước ngoài thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị, trấn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo và tạo điều kiện chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.
Một số tổ chức Mặt trận Thống nhất công khai mối quan hệ của họ với Bắc Kinh. Nhưng “hầu hết chúng cố gắng thể hiện mình như là các tổ chức phi chính phủ độc lập, bình dân, các diễn đàn trao đổi văn hóa, hiệp hội ‘hữu nghị’, phòng thương mại, cơ quan truyền thông hoặc nhóm học thuật”, theo ông Stilwell.
Một cuộc điều tra năm 2020 của Newsweek đã tìm thấy khoảng 600 nhóm như vậy ở Hoa Kỳ.
Ví dụ, báo cáo của Pháp nêu đích danh một nhóm Mặt trận Thống nhất, gọi là Quỹ Giao lưu Hoa Kỳ – Trung Quốc (CUSEF).
Đó là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hồng Kông do tỷ phú kiêm quan chức chính quyền Trung Quốc Đổng Kiến Hoa đứng đầu. Nhóm này tự nhận mình là một nhóm độc lập, cung cấp các cuộc đối thoại và trao đổi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, nó “hoạt động như một tổ chức bình phong cho chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, trích báo cáo của Pháp.
Giới truyền thông Hoa Kỳ cũng bị CUSEF nhắm mục tiêu. Nó đã tổ chức các chuyến đi đến Trung Quốc cho hơn 120 nhà báo từ gần 50 hãng truyền thông Hoa Kỳ kể từ năm 2009, theo The Epoch Times.