Trong 6 tháng đầu năm, TP. HCM ghi nhận hơn 18.976 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) và đã có 10 trường hợp tử vong. Số ca trở nặng cũng đã gấp gần 7 lần so với cả năm 2019 – thời điểm dịch SXH bùng mạnh.
Báo VnExpress đưa tin, số người nhiễm SXH tại TP. HCM đang cao nhất nước với gần 19.000 ca kể từ đầu năm – tăng 151% cùng kỳ năm ngoái. Số bệnh nặng tăng đột biến với hơn 310 ca, gấp hơn 4 lần năm ngoái. Ngay cả so với cả năm 2019 – thời điểm dịch SXH bùng mạnh, chỉ riêng nửa đầu năm nay, số ca trở nặng đã gấp gần 7 lần, số ca tử vong gấp hơn 3 lần (10 người).
Lý giải nguyên nhân tình trạng dịch sốt xuất huyết ở TP. HCM, các chuyên gia đưa ra 3 lý do chính khiến dịch tăng mạnh và trở nên nghiêm trọng.
Tóm tắt nội dung
1. Bệnh viện tuyến cuối đối mặt với nguy cơ quá tải
Qua kiểm tra cho thấy lượng bệnh nhân đến thăm khám, điều trị ở TP. HCM và các tỉnh lân cận đổ về các bệnh viện tuyến cuối điều trị SXH như Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM), Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP. HCM), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM… tăng cao khiến các bệnh viện đối mặt với tình trạng quá tải, theo báo SứcKhoẻ&ĐờiSống.
Bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh viện ghi nhận 1.739 bệnh nhi SXH đến thăm khám, điều trị. Trong đó có khoảng 35% bệnh nhân phải nhập viện điều trị và có 369 ca sốc SXH. Bệnh viện cũng ghi nhận 7 trường hợp tử vong do SXH”.
Theo đó số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tới khám nội trú đã tăng gấp 3-4 lần so với cùng kỳ 2 năm trước. Hiện chưa tới đỉnh dịch nhưng lượng bệnh nhân đã tăng gấp 2 lần so với thời điểm bùng dịch SXH năm 2019. Mỗi tháng, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 100 trường hợp nặng, sốc SXH.
Tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, trong 6 tháng qua có 3 ca tử vong, 7 ca SXH nặng xin về. Cùng nhiều ca sốc nặng, suy tạng, viêm cơ tim, xuất huyết thể não, mang theo bệnh nền như béo phì, tiểu đường,…
Bệnh viện đã trưng dụng nhiều khoa cùng tiếp nhận bệnh nhân SXH (chiếm 50% số ca nội trú). Khoa Nhiễm D thường dùng để cách ly, điều trị bệnh COVID-19 nay cũng mở rộng, thêm giường xếp ngoài hành lang để phục vụ bệnh nhân SXH điều trị nội trú.
Ông Nguyễn Thành Dũng, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho rằng hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân SXH. Ông đề xuất các bệnh viện tuyến dưới nếu có năng lực thì giữ bệnh nhân SXH lại điều trị, chỉ chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới những trường hợp không thể giải quyết.
2. Thiếu nhân lực sau thời gian dài đối phó với COVID-19
Trong 10 ca SXH tử vong tại TP. HCM từ đầu năm đến nay, có 3 ca tại huyện Củ Chi. Cả ba ca này đều chuyển lên tuyến trên mất gần 2 giờ đồng hồ di chuyển, sau đó bệnh nhân đã tử vong.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, phó giám đốc Sở Y tế TP. HCM, đã báo cáo với Bộ Y tế như vậy tại buổi làm việc giữa đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu với Sở Y tế TP. HCM và các đơn vị liên quan về công tác điều trị SXH tại TP. HCM vào chiều 27/6, theo báo Tuổi Trẻ.
Sở Y tế TP.HCM cùng các chuyên gia đã xuống bệnh viện để phân tích các ca tử vong thì nhận thấy dù xe cấp cứu có đi nhanh cách mấy thì chuyển bệnh nhân về trung tâm thành phố cũng mất gần 2 giờ đồng hồ. Như vậy, nguy cơ chuyển viện không an toàn vẫn xảy ra.
Ông Vĩnh Châu cho hay, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ chi hiện có nhiều bác sĩ trẻ, những người lớn tuổi đã nghỉ hoặc chuyển qua những bệnh viện khác.
Ngoài ra sau thời gian dài ứng phó với điều trị bệnh COVID-19, không đối phó với SXH, đặc biệt có sự thay đổi nhân sự y tế trong suốt thời gian vừa qua nên có nhiều nơi “quên bài sốt xuất huyết”. Có nhiều trường hợp không kịp thời nhận ra những dấu hiệu cảnh báo, để bệnh nhân quá nặng mới nhập viện nên nguy cơ tử vong cũng tăng lên.
Về việc này, bác sĩ Nguyễn Thành Phương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi cho biết, trong khoảng 200 bác sĩ tại đơn vị thì khoảng 40% mới ra trường, hoặc kinh nghiệm điều trị dưới 5 năm. Do đó, bệnh viện chỉ có khả năng thu dung các ca ngoại trú, nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo hoặc vào sốc lần một (bắt đầu trở nặng). Thực tế một số bệnh nhân SXH được đưa vào đây đã trở nặng nên cần chuyển lên tuyến trên.
Do đó, Sở Y tế đã có chỉ đạo, giao cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tập huấn lại toàn bộ về căn bệnh SXH cho các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng giao cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nếu có ca nặng thì sẽ tổ chức hội chẩn điều trị, nếu cần thì tái khởi động hệ thống cấp cứu liên viện để tuyến trên xuống điều trị hỗ trợ tuyến dưới ngay tại chỗ.
3. Thiếu hụt thuốc men
Ngoài khó khăn về nhân lực, nhiều bệnh viện đang thiếu thuốc trị SXH nặng. Vài tháng nay, các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng Thành phố… (tiếp nhận nhiều ca nặng từ tuyến dưới hay tỉnh thành khác chuyển đến) không có đủ dịch truyền cao phân tử chống sốc Dextran và HES 200.000 dalton, thuốc vận mạch dopamin…
Các bệnh viện phải thay thế bằng thuốc khác nhưng hiệu quả không tốt bằng thuốc theo phác đồ của Bộ Y tế. Đồng thời, thuốc thay thế là HES 130.000 dalton và albumin không nằm trong phác đồ chính thức của Bộ Y tế, nên bệnh nhân không được bảo hiểm y tế thanh toán.
Một nguyên nhân khác được ông Nguyễn Trọng Khoa (Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế) chỉ ra trong buổi làm việc với ngành y tế TP HCM hôm 27/6, là việc truyền dịch quá nhiều cho bệnh nhân ở một số cơ sở y tế tư nhân chưa có kinh nghiệm điều trị SXH. Đây là một trong các nguy cơ dẫn đến ca nặng, khiến người bệnh nặng chậm vào viện, nhiều trường hợp tiếp cận bệnh viện tuyến cuối khi tình trạng đã nguy kịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã chỉ đạo Cục Quản lý Dược khẩn trương tìm kiếm nguồn cung thuốc, vật tư y tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục cấp phép, nhập khẩu, quy định giá… kịp thời cung ứng cho các cơ sở y tế. Hiện, một công ty dược đã được cấp phép lưu hành thuốc Dextran tại Việt Nam và đang chuẩn bị hồ sơ đăng ký xin cấp phép sản xuất thuốc Dextran 40 tại một nhà máy ở Đồng Nai.
Ngoài ra còn có 1 nguyên nhân khách quan, giám sát tình hình dịch của Viện Pasteur TP. HCM cũng cho thấy trong 5 tháng qua, type virus gây sốt xuất huyết lưu hành chủ yếu là DEN 1 (57%) và DEN 2 (41%). Chủng DEN 2 có xu hướng gia tăng, được cho là có nguy cơ khiến bệnh nặng hơn.