Trẻ nhỏ có nhiều lúc trì hoãn, ví dụ: Sau khi chơi bóng xong con sẽ làm bài tập về nhà, mình buồn ngủ quá chợp mắt 1 lúc rồi sẽ học, để lát nữa hay ngày mai con làm nhé!… Trong một số trường hợp, việc trì hoãn ở trẻ em lại càng nghiêm trọng hơn vì hai lý do chính:
Thứ nhất không thể ước tính chính xác thời gian cần thiết để hoàn thành một công việc nhất định, chúng nghĩ rằng mình vẫn còn rất nhiều thời gian để hoàn thành công việc đó, vậy nên có những việc đã bị trì hoãn hoãn liên tục cho đến khi phải bắt đầu.
Thứ hai, không thể kiểm soát được sự căng thẳng, lo lắng, buồn chán khiến công việc bị đình trệ. Hậu quả là rất ít trẻ sẵn lòng làm những việc khó khăn. Nếu con bạn mắc “chứng bệnh” này hãy tham khảo 6 giải pháp sau:
1. Hãy giúp trẻ chia nhỏ nhiệm vụ
Những đứa trẻ mắc chứng trì hoãn xem một số nhiệm vụ là quá khó để hoàn thành. Bạn có thể giúp con mình chia nhỏ bài tập về nhà thành những phần nhỏ hơn, có thể làm được để giảm bớt căng thẳng.
Chia nhỏ các nhiệm vụ có thể giúp trẻ em hình thành cách nhìn lạc quan, tích cực khi đối diện với công việc, khi đối diện với công việc chúng có thể nghĩ: “việc này cũng nhỏ và dễ làm thôi”, “mình có thể làm việc này trong thời gian ngắn”.
Chia nhỏ nhiệm vụ trẻ sẽ dễ dàng thực hiện trong thời gian ngắn (Ảnh minh họa Pixabay). |
Khi trẻ cần viết một bài luận, bạn có thể giúp con xác định các bước: viết dàn ý, nghiên cứu từng phần của dàn ý, sau đó hoàn thành từng phần. Nếu con bạn không thể ước tính thời gian cần thiết để hoàn thành bài viết, bạn có thể yêu cầu con ghi lại thời gian thực tế đã bỏ ra. Điều này sẽ giúp con bạn học cách ước tính chính xác thời gian cần thiết để hoàn thành một bài tập cụ thể.
2. Giúp trẻ hình thành sự tự tin đối với nhiệm vụ được giao
Trong thực tế 1 nhiệm vụ hoàn thành đúng hạn hay không, điều cốt yếu phụ thuộc vào sự tự tin. Đối với trẻ hay trì hoãn, bạn có thể giúp trẻ xây dựng sự tự tin bằng cách điều chỉnh hoặc chia nhỏ các nhiệm vụ. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ chấm điểm mức độ tự tin hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể từ 1 đến 10 điểm, sau đó điều chỉnh hoặc chia nhỏ nhiệm vụ theo điểm số cho đến khi mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian quy định của trẻ đạt từ 9 điểm trở lên. Cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu rằng, tự tin có thể được xây dựng dần dần. Khi số lần con trẻ hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn nhiều hơn, sự tự tin của chúng cũng sẽ tăng lên.
3. Giúp con trẻ đối diện với khó khăn và đưa ra giải pháp phù hợp
Thông thường trẻ em có thể cố gắng làm bài tập về nhà, nhưng sẽ rất bị động khi gặp khó khăn. Ví dụ thiếu sách hoặc tài liệu cần thiết. Trong trường hợp này, bạn có thể cùng con lập danh sách các nhiệm vụ và dạy chúng dành năm phút để xem lại danh sách trước khi bắt đầu làm bài tập.
Danh sách kiểm tra thường bao gồm ba câu hỏi: Tôi có đủ thông tin cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ không? Tôi sẽ mất bao lâu để hoàn thành nhiệm vụ? Điều gì khác sẽ khiến tôi khó hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn?
Bạn nên khuyến khích trẻ động não để nghĩ ra các giải pháp cụ thể. Điều quan trọng là để chúng hiểu rằng, chuẩn bị tốt có thể tiết kiệm thời gian và giảm bớt những khó khăn mà chúng có thể gặp phải khi hoàn thành nhiệm vụ.
4. Giúp trẻ tìm ra thời điểm tốt nhất để thực hiện các công việc cụ thể
Hầu hết trẻ em không thể dậy sớm, vậy nên chúng không thể làm những công việc đòi hỏi suy nghĩ nhiều vào buổi sáng. Khi đó, bạn có thể để trẻ làm một số việc nhà để chúng vận động. Việc sử dụng 1 chút thì giờ ít ỏi buổi sáng phụ việc nhà sẽ giúp trẻ có thói quen tận dụng thời gian rảnh để làm được các công việc cụ thể trong khi vẫn hoàn thành các công việc của chúng.
5. Giúp trẻ hình thành thói quen “bắt đầu ngay từ bây giờ”
(Ảnh minh họa: Pixabay). |
Hầu hết trẻ em có hành vi trì hoãn đều giỏi thuyết phục bản thân, ví dụ: “mình sẽ làm việc này vào ngày mai” hoặc ” mình sẽ làm nó khi mình không mệt”. Trong tình huống này cha mẹ có thể giúp trẻ hình thành thói quen bắt đầu làm bài tập ngay lập tức, giúp chúng suy nghĩ về những lợi ích của việc bắt đầu ngay và những hậu quả của việc trì hoãn.
Bạn có thể liệt kê những hậu quả này và đặt tên là “Những rắc rối khi tôi chần chừ”. Hãy để con bạn kiểm tra danh sách này thường xuyên và khuyến khích chúng bắt đầu làm bài tập hoặc phụ việc nhà ngay lập tức.
6. Giúp trẻ trở thành người tốt hơn so với mình trước đó thay vì cầu toàn
Những đứa trẻ cầu toàn có thể trở thành người trì hoãn. Họ đợi cho đến khi thời điểm hoàn hảo đến rồi mới bắt đầu làm bài tập, hoặc lặp đi lặp lại công việc để đạt được sự hoàn hảo. Làm như vậy càng khó hoàn thành công việc. Sau khi trẻ trải qua quá trình này một hoặc hai lần, chúng sẽ không muốn trải qua nó một lần nữa. Cha mẹ hãy giúp con trẻ hiểu rằng chỉ cần làm tốt chứ không cần phải hoàn hảo, sẽ giúp cuộc sống của trẻ dễ dàng và hạnh phúc hơn.