Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhiều lần đe dọa tái thống nhất Trung Quốc và Đài Loan; thậm chí bằng cách sử dụng vũ lực nếu cần thiết. Quân đội Trung Quốc cũng thường xuyên điều máy bay chiến đấu vào không phận của Đài Loan. Nhưng một điều chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không xâm lược Đài Loan. Tại sao?

Học giả Akshay Narang đã có bài phân tích đăng trên tờ TFI Global chỉ ra 8 lý do khiến Trung Quốc không tấn công Đài Loan.

1. Các cuộc chiến rất tốn kém

Ông Akshay Narang khẳng định chiến tranh sẽ rất tốn kém; phải tăng cường sản xuất, chi tiêu mạnh cho cơ sở hạ tầng quốc phòng; tạo ra gánh nặng lớn đè lên nền kinh tế.

Trong khi hiện tại, Bắc Kinh không có khả năng chi tiêu nhiều. Cuộc khủng hoảng bất động sản ở nước này ngày càng trầm trọng hơn. Giá than cũng tăng cao khiến ngành điện có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới và sản xuất có thể trở nên đắt đỏ hơn.

Ngoài ra, giá dầu thô và khí đốt tự nhiên đã tăng vọt. Vì vậy, năng lượng và chi phí vận chuyển sẽ tăng lên. Lạm phát của Trung Quốc đang ngày càng tăng và nước này không đủ khả năng để phát động chiến tranh.

2. Đài Loan được trang bị tận răng

Học giả Narang nhận định không thể so sánh Đài Loan với Ukraine. Quốc đảo này tuy nhỏ nhưng không giống như Ukraine bởi nó được trang bị vũ khí “tận răng”.

Đài Loan có hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ đặt rải rác tên lửa, rocket và súng pháo. Những ngọn đồi cũng có các đường hầm và hệ thống boongke.

Nếu quân đội Trung Quốc đổ bộ lên đảo quốc này, họ sẽ phải hứng chịu những đợt pháo kích dữ dội, tiếng súng từ các boongke và tên lửa tàn phá. Hệ thống phòng thủ của Đài Loan đã được tăng cường nhờ hỗ trợ quân sự từ Mỹ. Vì vậy, việc xâm lược Đài Loan sẽ là một ‘cuộc tắm máu’ đối với quân đội Trung Quốc.

3. Nhật sẽ không ngồi yên nếu Đài Loan bị tấn công

Nhật Bản tuyên bố sẽ bảo vệ Đài Loan trước cuộc xâm lược của quân đội Trung Quốc. Đây là một vấn đề thuộc chính sách của Nhật Bản từ thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Vì vậy, Trung Quốc sẽ không chỉ chiến đấu với một hòn đảo nhỏ mà còn với một trong những siêu cường lớn nhất trên thế giới.

Và nếu Nhật tham gia, Mỹ có thể phải làm gì đó, ít nhất là hỗ trợ về quân sự.

4. Đài Loan là trung tâm của QUAD

Theo ông Narang, không chỉ Nhật Bản sẽ đến giải cứu Đài Loan, mà còn tất cả Bộ tứ (trừ Mỹ). QUAD khẳng định duy trì hiện trạng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và nhấn mạnh rằng sự thay đổi lớn là không thể chấp nhận được.

Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, thì Ấn Độ và Australia sẽ tham gia vào nỗ lực của Nhật Bản để đẩy lùi cuộc xâm lược. Vì vậy, Trung Quốc sẽ không thực sự mạo hiểm đối đầu cùng lúc với ba cường quốc quân sự lớn.

5. Thế giới phản chiến và đe dọa trừng phạt

Học giả Narang cho rằng, cuộc chiến Nga-Ukraine đã cho thấy, thế giới không còn muốn chiến tranh. Đây là lý do tại sao Nga bị bủa vây bởi các lệnh trừng phạt.

Đối với Trung Quốc thì mọi thứ trở nên phức tạp. Nếu Trung Quốc thực sự tấn công Đài Loan, thì Mỹ và EU sẽ buộc phải trừng phạt Bắc Kinh. Đồng thời, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ cũng sẽ theo sau. Cuối cùng Trung Quốc sẽ mất hàng nghìn tỷ USD. Đây là điều mà không quốc gia nào chịu được, đặc biệt là với nền kinh tế đang gặp khó khăn như Trung Quốc.

6. Tình hình Covid-19 của Trung Quốc

Bất kể Trung Quốc đang tuyên truyền những gì nhưng thực tế là người dân nước này vẫn đang chết do bùng phát Covid-19 thường xuyên.

Nền kinh tế đi xuống và người dân không thực sự thịnh vượng. Điều cuối cùng mà họ nghĩ đến là một cuộc chiến đẫm máu. Vì vậy ông Tập chỉ đơn giản là không thể quản lý một chủ nghĩa dân tộc thái quá và ném người dân nước mình vào cuộc chiến tranh phi nghĩa.

7. Đài Loan sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới

Trung Quốc muốn trở thành nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu. Nhưng các nhà sản xuất điện tử của nước này cần chất bán dẫn tiên tiến.

Trong khi đó, Đài Loan nắm giữ 92% công suất sản xuất bán dẫn tiên tiến của thế giới. Hàn Quốc nắm 8% còn lại và Trung Quốc đã thất bại trong việc phát triển công nghệ bán dẫn bản địa.

Nếu ông Tập gây chiến với Đài Loan, quốc đảo này sẽ cắt đứt nguồn cung chất bán dẫn của Trung Quốc và làm tê liệt lĩnh vực công nghệ của Bắc Kinh.

8. Sự cưỡng chế nội bộ của ông Tập

Ông Tập đã xóa bỏ các giới hạn nhiệm kỳ ở Trung Quốc và tự phong không chính thức cho mình làm Chủ tịch Trung Quốc trọn đời. Tuy nhiên, ông Tập chỉ có thể ở vị trí cao nhất nếu Ủy ban trung ương ĐCSTQ bầu ông làm Tổng bí thư Đảng kiêm Chủ tịch Trung Quốc.

Nếu ông Tập cố gắng tấn công Đài Loan và thất bại trong một cuộc chiến kéo dài thì mọi chuyện sẽ kết thúc. Đây sẽ là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông ấy. Do đó ông Tập sẽ không mạo hiểm tất cả để tấn công Đài Loan.

Học giả Narang kết luận rằng, bất chấp mọi tuyên truyền của ĐCSTQ, Trung Quốc khó có thể tấn công Đài Loan.