Hơn 31.000 người tử vong do Covid-19; Hàng triệu lao động di tản; Bê bối nâng khống giá thiết bị y tế… là những sự kiện nổi bật năm 2021.

1. Chao đảo khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư

Ngày 27/4 đánh dấu sự khởi đầu của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam; bệnh nhân đầu tiên ghi nhận tại tỉnh Yên Bái. Từ đây, dịch bắt đầu lây lan ra Đà Nẵng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, bùng phát ở Bắc Ninh, Bắc Giang, tấn công vào các khu công nghiệp.

Nếu 3 đợt dịch trước, cả nước ghi nhận chưa tới 3.000 ca nhiễm, 35 trường hợp tử vong; thì đợt dịch thứ 4, Việt Nam ghi nhận hơn 1,6 triệu ca nhiễm, trên 31.000 người tử vong (tính đến ngày 31/12). 

Hai chị em mồ côi cha mẹ vì Covid-19 ở TP. HCM (ảnh: Bệnh viện Dã chiến TP. HCM).

Đợt dịch ập tới làm chao đảo cuộc sống sinh hoạt hàng chục triệu người dân Việt Nam. Hàng loạt tỉnh thành thực hiện giãn cách, phong tỏa kéo dài. Tình trạng nới lỏng hơn được thực hiện từ quý 4/2021. Tiếp đó là chiến dịch tiêm vắc xin ở quy mô toàn quốc.

TP. HCM ghi nhận ca nhiễm muộn hơn, khoảng cuối tháng 5, nhưng số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh. Hơn 70% số ca tử vong cả nước tập trung ở đây. Tính đến ngày 31/12, thành phố có hơn 500.000 người mắc Covid-19, 19.000 trường hợp tử vong. 

2. Cuộc di tản khỏi nhiều đô thị phía Nam

Dịch bệnh khiến hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong quý III, tăng đến nửa triệu so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến 3,98%, cao nhất trong một thập kỷ qua và vượt xa tỷ lệ thất nghiệp trong những giai đoạn khó khăn khác của nền kinh tế. 12 triệu người bị cắt giờ làm; 18,9 triệu người bị giảm thu nhập.

Mất việc, đời sống khó khăn; chậm nhận được hỗ trợ… buộc hàng triệu lao động từ các tỉnh phía Nam phải tìm mọi cách, bằng xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ hàng trăm cây số để về quê tìm đường sống. Từ đó hình thành một làn sóng di cư quy mô lớn chưa từng thấy.

về quê tránh dịch
Những người lao động nghèo đi xe máy, vượt nghìn cây số về quê (ảnh chụp màn hình báo VOV/ Soha/Thanh Niên).

Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch, tính từ tháng 7 đến 15/9. Trong đó, khoảng 292.000 người về từ TP. HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam. Những con số này chưa tính dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi TP. HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách. 

3. Điều động quân đội – y tế lớn nhất sau chiến tranh

Cuối tháng 7, Bộ Y tế huy động tất cả lực lượng để chống dịch. Trong đó, khoảng 25.000 y bác sĩ khắp cả nước được điều đến chi viện TP. HCM. Đây là lần điều động nhân lực y tế lớn nhất từ trước đến nay. Ở đợt dịch ở Đà Nẵng hay Hải Dương trước đó, mỗi lần số nhân viên y tế hỗ trợ chỉ vài nghìn người.

Bộ Quốc phòng cũng có cuộc điều quân lớn nhất kể từ sau năm 1975, với khoảng 130.000 quân nhân được điều vào TP. HCM và các tỉnh phía nam.

4. Học sinh cả năm học trực tuyến

Năm 2021, hơn 22 triệu học sinh phải học trực tuyến triền miên để ứng phó với dịch bệnh. Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, nền giáo dục đã trải qua một năm bị Covid-19 “đảo lộn và tàn phá”.

Giảng viên đuổi sinh viên khỏi lớp học online bị xem xét trách nhiệm
Ảnh minh họa một lớp học trực tuyến (ảnh: Diệu Anh).

Đại dịch cũng khiến nền giáo dục Việt Nam bộc lộ rõ nhiều lỗ hổng. Gần 1,9 triệu học sinh thiếu thiết bị tối thiểu để học online; hàng triệu em khác học trong điều kiện nghẽn mạng, trục trặc phần mềm. Nhiều giáo viên hạn chế về trình độ, kỹ năng làm chủ công nghệ…

5. Bê bối nâng khống giá thiết bị y tế và vụ Việt Á

Năm 2021, công an đã khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt cán bộ lãnh đạo ngành y: Thứ trưởng Trương Quốc Cường; Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn; dàn lãnh đạo BV Mắt TP. HCM, cựu giám đốc Sở Y tế Sơn La, Cần Thơ…. Trong đó, ông Cường liên quan đến vụ thuốc giả Health 2000 tràn vào Việt Nam. Ông Tuấn, dàn lãnh đạo BV Mắt TP. HCM, và các cựu giám đốc Sở nêu trên liên quan đến các vụ đấu thầu, nâng khống giá thiết bị.

việt á
Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (bên trái) và Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến (ảnh Bộ Công an công bố).

Câu chuyện đạo đức trong ngành y sục sôi hơn khi công an bắt Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt. Công ty Việt Á bị điều tra với cáo buộc thông đồng cùng nhiều lãnh đạo CDC nâng khống giá kit test Covid-19, ăn tiền trên lưng người dân trong lúc đại dịch lan tràn.

6. Bắt – xét xử quan chức cấp cao

Tháng 4/2021: Ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM bị khởi tố bắt tạm giam. Cuối tháng 12/2021, ông Cang bị đưa ra xét xử.

Cũng trong tháng 4, Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận mức án 11 năm tù trong vụ sai phạm liên quan chuyển nhượng “đất vàng” ở Sabeco.

Tháng 7/2021: Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương ông Trần Văn Nam bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Tháng 8/2021: Ông Trần Vĩnh Tuyến, cựu Phó chủ tịch TP. HCM đã bị tòa tuyên phạt 6 năm tù.

Tháng 12/2021: Ông Nguyễn Đức Chung – Cựu Chủ tịch Hà Nội bị xét xử ở 2 phiên tòa liên quan đến vụ mua chế phẩm Redoxy-3C và vụ Nhật Cường.

Cuối năm 2021, bà Nguyễn Thị Kim Tiến – nguyên Bộ trưởng Y tế bị cảnh cáo, miễn nhiệm chức vụ Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

7. GDP thấp nhất trong một thập kỷ

GDP năm 2021 chỉ đạt 2,58%, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Hoạt động sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, sức mua giảm mạnh vì lệnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 đã khiến ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong khi đó, năm 2021, kiều bào gửi về nước khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm ngoái. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 29 tỷ USD, tăng hơn 0,5 tỷ USD so với năm 2020. Điều này cho thấy nội lực kém nhưng ngoại lực dồn về mạnh.

Xuất nhập khẩu vượt 600 tỷ USD, lập đỉnh mới. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, tiếp đến là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất hàng hoá của Trung Quốc (hơn 99 tỷ USD), sau đó đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

8.Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước vận hành

Tháng 11/2021, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông dài 13km được đưa vào khai thác. Đây là tuyến đường sắt trải qua 5 đời bộ trưởng, nặng vốn, nặng lãi vay.

Bên trong toa tàu Cát Linh – Hà Đông (ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ).

Dự án đường sắt này sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc với tổng mức vốn đầu tư là 18.000 tỷ đồng, sau đó tăng thêm 57% so với dự toán ban đầu. Dự án thi công dùng dằng trong 10 năm, nhiều lần chậm tiến độ.

9. Đội tuyển Việt Nam vào vòng loại thứ 3 World Cup; thua ở bán kết AFF

Thầy trò HLV Park Hang-seo đã xuất sắc vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Sau đó, đội tuyển Việt Nam đã thi đấu 6 trận ở vòng loại cuối và đều thất bại trước các đội tuyển thuộc hàng mạnh nhất châu Á.

Đội tuyển Việt Nam (áo trắng) trong trận bán kết lượt về gặp Thái Lan (ảnh: VFF).
Đội tuyển Việt Nam (áo trắng) trong trận bán kết lượt về gặp Thái Lan (ảnh: VFF).

Việt Nam bước vào giải vô địch Đông Nam Á AFF 2020 (tổ chức tháng 12/2021) với kỳ vọng bảo vệ ngôi vô địch. Song Việt Nam đã dừng bước trước Thái Lan sau vòng bán kết. Thất bại tại AFF để lại dấu trầm cho bóng đá Việt Nam sau chuỗi dài thăng hoa kể từ tháng 1/2018.

Từ Khóa: