Chuyến công du tới Moskva của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế.

Gặp lại người đồng cấp Nga Vladimir Putin – người đã tiếp ông hơn 40 lần trong quá khứ – dường như là màn thể hiện tình hữu nghị, nhưng đằng sau đó là những tính toán chiến lược tinh vi. Dưới đây là ba điều giới quan sát cần đặc biệt lưu ý trong sự kiện lần này.

Khoảng cách ngầm giữa “bạn thân”

Dù luôn xuất hiện bên nhau với vẻ ngoài thân mật, nhưng thực tế cho thấy Chủ tịch Tập đang giữ một khoảng cách chiến lược với ông Putin. Cuộc chiến tại Ukraine đã biến Tổng thống Nga thành cái tên bị phương Tây cô lập, và Bắc Kinh không muốn bị cuốn vào thế đối đầu toàn diện.

Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng tại châu Âu và muốn định vị mình là một cường quốc ổn định, có trách nhiệm, đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Donald Trump bị xem là thiếu ổn định về chính sách. Vì vậy, việc ông Tập lựa chọn thể hiện ranh giới với ông Putin là điều có thể xảy ra trong chuyến thăm này.

Quan hệ không cân xứng

Giới chuyên gia nhận định rõ: đây không phải là mối quan hệ ngang hàng. Trung Quốc – với sức mạnh kinh tế vượt trội và tầm ảnh hưởng toàn cầu – đang nắm thế chủ động trong hợp tác với Nga.

Trong khi đó, chiến tranh đã khiến Nga suy yếu nghiêm trọng: cả về quân lực lẫn tài chính. Tình hình buộc Moskva phải phụ thuộc ngày càng sâu vào Bắc Kinh – từ năng lượng, đầu tư đến ngoại giao. Điều này khiến cán cân quyền lực nghiêng hẳn về phía Trung Quốc.

Tín hiệu gửi tới Washington

Cuộc gặp tại Moskva cũng mang theo một thông điệp chiến lược hướng về Mỹ. Giữa lúc Tổng thống Donald Trump tìm cách thúc đẩy lộ trình hòa bình tại Ukraine, Trung – Nga có thể sẽ cùng nhau khẳng định lập trường chung trước sự suy yếu tương đối của Mỹ trên bàn cờ toàn cầu.

Dẫu vậy, ông Tập được dự đoán sẽ nhấn mạnh rằng những khác biệt giữa ông và Putin không đồng nghĩa với việc phương Tây có thể chia rẽ liên minh này. Đó là lời đáp trả thẳng thắn trước mọi nỗ lực từ Washington nhằm “bẻ gãy trục Trung – Nga”.

Theo: BBC