Người ta thường nói: “Con người hiện nay đã có hệ thống xử lý nước hiện đại, nước máy sinh hoạt là nước sạch.” Nghe tưởng như thuyết phục, nhưng nếu nhìn sâu hơn, ta sẽ thấy đây chỉ là một lớp mặt nạ tạm thời che giấu vấn đề cốt lõi: chúng ta đang dùng hóa chất cải tạo nước bẩn, chứ không giữ cho nước sạch ngay từ đầu. Và sự cải tạo đó không biến nước máy thành nước sạch mà chỉ biến đổi dạng bẩn này sang dạng độc khác.

Hệ thống xử lý nước hiện đại – thành tựu hay giải pháp tạm thời?

Không thể phủ nhận, các nhà máy nước đô thị hiện đại có thể loại bỏ cặn bẩn, vi sinh vật, kim loại nặng… nhờ công nghệ lắng, lọc và khử trùng bằng clo hoặc ozone. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: nước đầu vào của các nhà máy này – chính là nguồn nước mặt như sông, hồ – vốn đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nghĩa là ta đang lấy nước bẩn, rồi cố làm cho nó “có vẻ sạch”.

Theo Science of the Total Environment (2020), kể cả sau khi xử lý; nước máy tại nhiều đô thị trên thế giới vẫn còn tồn dư clo, cloramin; các sản phẩm phụ của clo hóa (DBPs – disinfection by-products); và đôi khi cả vi nhựa và thuốc trừ sâu.

Vấn đề nằm ở chỗ: nước đầu vào của các nhà máy này – chính là nguồn nước mặt như sông, hồ – vốn đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh minh họa – Nguồn: phapluat.tuoitrethudo)

Clo – con dao hai lưỡi trong nước máy

Khử trùng bằng clo là bước cuối cùng trong xử lý nước, nhằm tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, clo khi kết hợp với chất hữu cơ trong nước sẽ tạo ra các phụ phẩm độc hại như trihalomethanes (THMs), haloacetic acids (HAAs) – được WHO và EPA xếp vào nhóm nghi ngờ gây ung thư.

Thậm chí, theo WHO Guidelines for Drinking-water Quality (4th edition), việc tiếp xúc lâu dài với THMs qua việc uống nước máy, tắm hoặc hít phải trong không gian kín (như khi tắm nước nóng), đều làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang, tổn thương gan và ảnh hưởng đến thai nhi.

Kim loại nặng và đường ống cũ kỹ – mối nguy âm thầm

Dù nước tại nhà máy đã đạt tiêu chuẩn, nhưng trên đường đến nhà dân; nó có thể bị tái ô nhiễm qua hệ thống ống dẫn cũ kỹ, rò rỉ hoặc hoen gỉ. Chì, kẽm, đồng, mangan… có thể tan ra từ đường ống, đặc biệt trong hệ thống cấp nước lâu năm.

Báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi (2022) chỉ ra: tại nhiều khu vực hàm lượng chì trong nước máy tại vòi có thể vượt ngưỡng cho phép đến 3–5 lần; đặc biệt vào đầu dòng chảy sau thời gian không sử dụng (như buổi sáng sớm).

Vi nhựa – thứ “gia vị” không mong muốn

Vi nhựa – những hạt nhựa nhỏ hơn 5 micromet – đang hiện diện trong gần như tất cả nguồn nước tự nhiên; kể cả nước máy. Một nghiên cứu từ Đại học Harvard (2016) cho thấy: các hạt vi nhựa có thể vượt qua màng lọc truyền thống trong nhà máy nước và có thể tồn tại trong nước uống đóng chai; nước lọc RO và cả nước máy.

Việc hấp thụ vi nhựa lâu dài đang được nghi ngờ có liên quan đến rối loạn nội tiết; ảnh hưởng miễn dịch và chuyển hóa. Tuy WHO chưa có kết luận chắc chắn, nhưng đây là cảnh báo không nên xem nhẹ.

Nước máy
Một nghiên cứu từ Đại học Harvard (2016) cho thấy: các hạt vi nhựa có thể vượt qua màng lọc truyền thống trong nhà máy nước và có thể tồn tại trong nước uống đóng chai; nước lọc RO và cả nước máy. (Ảnh: CC BY-SA 4.0 – Nguồn: tuoitre)

Đã đến lúc nghĩ lại về khái niệm “nước sạch”

Nước sạch không chỉ là nước không mùi, không màu, không vị. Đó là nước không chứa hóa chất độc hại, không dư lượng clo, không kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh. Sạch thực sự là sạch từ nguồn – tức giữ cho sông, suối, mạch nước ngầm không bị xả thải và khai thác quá mức.

Ở Nhật Bản, theo Tokyo Waterworks Bureau, nước máy được lấy từ thượng nguồn đã được bảo vệ nghiêm ngặt, rồi xử lý bằng ozone và than hoạt tính, hạn chế tối đa dùng clo, và luôn có công bố minh bạch chất lượng nước đến từng hộ dân.

Sống thuận tự nhiên – bảo vệ nước từ gốc

Chúng ta có thể đầu tư vào máy lọc nước tại nhà; chọn các công nghệ ít để lại dư lượng như lọc than hoạt tính, nano bạc, màng RO. Nhưng về lâu dài; chỉ khi toàn xã hội thay đổi cách nhìn – không xem sông hồ là nơi xả thải; mà là “nguồn sống” cần bảo vệ – thì nước mới thực sự sạch.

Chúng ta không thể kỳ vọng uống nước an toàn khi còn xả hóa chất vào sông. Không thể sống khỏe khi cố dùng công nghệ để lọc sạch những gì chính mình đã làm bẩn.