Trong thông cáo báo chí vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông với Hoa Kỳ. Đồng thời, Mỹ nhìn nhận những hoạt động phi pháp, mờ ám liên quan đến chính phủ Trung Quốc đang phá hủy nghiêm trọng môi trường tự nhiên, hạn chế quyền tự chủ, đầu tư theo chiến lược cài “bẫy nợ” và gây bất ổn an ninh cho các nước đang phát triển thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.
Tóm tắt nội dung
Trung Quốc vận hành 11 đập nước mờ ám, liên quan đến nạn buôn bán người, ma túy ở tiểu vùng Mê Kông
Sông Mê Kông ở miền Đông Bắc Thái Lan khô hạn, thiếu nước (ảnh: nguoi-viet). |
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo khẳng định, các quyết định đơn phương của Trung Quốc nhằm giữ lại nước ở thượng nguồn đã làm trầm trọng thêm các đợt hạn hán lịch sử, phá hoại môi trường tự nhiên trên dòng chảy sông Mê Kông. Mỹ sẽ sát cánh với các nước và Ủy hội sông Mê Kông trong việc kêu gọi chia sẻ dữ liệu minh bạch.
”Chúng tôi khuyến khích các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông yêu cầu chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm với cam kết chia sẻ dữ liệu nước của mình. Dữ liệu đó phải được công khai hàng năm và bao gồm các thông tin đầy đủ về lượng nước, sử dụng đất, vận hành đập… để phục vụ lợi ích chung của các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông, không vì lợi ích riêng cho Bắc Kinh”.
Từ các bằng chứng thu thập được theo nhiều góc độ khác, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng cho biết thêm, sự bùng nổ của nạn buôn bán người, ma túy và động vật hoang dã… phần lớn xuất phát từ các tổ chức, công ty và các đặc khu kinh tế có liên hệ với Trung Quốc.
Thêm vào đó, chính phủ Mỹ một lần nữa nghiêm khắc cảnh báo về việc khoản vay nợ từ Trung Quốc đã đặt các nước đang phát triển trong tiểu vùng sông Mê Kông vào “bẫy nợ”, ràng buộc họ với những điều kiện không dễ thoát ra.
Trung Quốc giữ nước trong hệ thống đập để làm gì?
Trong 3 thập niên qua, Trung Quốc đã xây dựng 11 con đập lớn nhỏ ở thượng nguồn và luôn giữ kín thông tin về việc vận hành các đập này để kiểm soát dòng chảy sông Mê Kông, phục vụ lợi ích của Bắc Kinh. Dữ liệu vệ tinh của Công ty Eyes on Earth Inc. (EoE, Mỹ) cho thấy các đập Trung Quốc giữ nước ở thượng nguồn trong mùa mưa, gây hạn hán cho khu vực hạ lưu.
Trước các bằng chứng cáo buộc trách nhiệm mạnh mẽ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ tuyên bố của EoE, họ nói rằng năm ngoái lượng nước trong hồ chứa Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, các chuyên gia EoE đã đưa ra hình ảnh vệ tinh chụp đập Cảnh Hồng và Nọa Trác Độ từ 5/2019-4/2020 cho thấy mực nước không thay đổi, thậm chí còn tăng. Còn khu vực hạ lưu quả thực đang chịu cảnh hạn hán nghiêm trọng, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam bị nhiễm mặn vì không có nước ngọt chảy về.
EoE nhấn mạnh, dữ liệu vệ tinh chính xác tới 89% cho thấy các con đập của Trung Quốc đang khống chế dòng chảy tự nhiên, hủy hoại hệ sinh thái toàn bộ tiểu vùng sông Mê Kông, đe dọa sinh kế của hàng chục triệu người đang sinh sống ở vùng hạ lưu của con sông dài 4.350km này.
Chuyên gia Brian Eyler – Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson (Mỹ) cho biết, họ thường nghe những thông tin rò rỉ đáng lo ngại về chính sách của Bắc Kinh: không chia sẻ một giọt nước nào nếu Trung Quốc chưa khai thác, bất kể vùng hạ lưu phải trả giá đắt đến đâu.
Ông Eyler chỉ rõ “Các đập của Trung Quốc hiếm khi được yêu cầu vận hành để sản xuất điện. Tuy chưa có bằng chứng, nhưng chúng tôi không thể loại trừ khả năng họ chuyển nước từ thượng nguồn sông Mê Kông vào các lưu vực khác để phục vụ những mục đích ở nội địa. Trung Quốc từng có dự án chuyển dòng nước Nam – Bắc trị giá 62 tỉ đô-la”.
Mỹ cam kết về một tiểu vùng sông Mê Kông phát triển trong hòa bình, an ninh và thịnh vượng
Sau Hội nghị Bộ trưởng đối tác Mê Kông – Hoa Kỳ lần đầu tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus tuyên bố “Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ phục hồi môi trường tự nhiên và nâng cao quyền tự chủ cho các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông. Chúng tôi sẽ làm việc với tất cả các đối tác có chung nguyên tắc hành động với cách tiếp cận minh bạch”.
Cũng trong tiến trình này, Mỹ công bố cam kết tài trợ tổng cộng 156,4 triệu đô-la cho một loạt các sáng kiến trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Hoa Kỳ – Mê Kông, bao gồm: 52 triệu đô-la để hỗ trợ khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19; 55 triệu đô-la để chống lại tội phạm xuyên quốc gia; 33 triệu đô-la để phát triển thị trường năng lượng trong khuôn khổ Asia EDGE; 6,6 triệu đô-la để cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng và thị trường ở tiểu vùng sông Mê Kông và 2 triệu đô-la để chống buôn người.
Ông Pompeo khẳng định Quan hệ Đối tác Mê Kông – Hoa Kỳ “Là một phần không thể thiếu trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ với ASEAN”, ông nói thêm ”Các nước khu vực sông Mê Kông xứng đáng là những đối tác tốt”. Thông qua Quan hệ Đối tác Mê Kông – Hoa Kỳ, chính phủ Mỹ mong muốn xây dựng quá trình hợp tác bền vững và lâu dài để đảm bảo một tiểu vùng sông Mê Kông phát triển trong hòa bình, an ninh và thịnh vượng.