Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang mắc 7 sai lầm nguy hiểm liên quan tới sự tồn vong của Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo phân tích của một học giả trú tại Hồng Kông.
Ông Ngan Shunk là nhà văn, nhà xuất bản sống ở Hồng Kông từ năm 1978. Ông là tác giả của một cuốn sách viết về thời Đại Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc. Cuốn sách mang tên: “Blood Rain in My Youth” (tạm dịch: Mưa máu trong thời thanh xuân của tôi).
Trong bài bình luận đăng trên The Epoch Times ngày 26/7, ông Shunk đã chỉ ra nhiều sai lầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ); trong đó nêu chi tiết 7 nhận định sai lầm của Tập Cận Bình, Tổng Bí thư ĐCSTQ.
“Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, ông ta đã có nhiều đánh giá sai lầm nghiêm trọng dựa trên những hiểu biết chính trị cá nhân của mình. Những đánh giá sai lầm này đã tạo ra những tác động xấu mà không được khắc phục kịp thời”, nhà văn Ngan Shunk viết.
Ông Shunk cho rằng: “Chính quyền (Trung Quốc) đang tự chôn mình vào một cái hố ngày càng sâu hơn.”
Theo nhà văn Shunk, dưới đây là 7 đánh giá sai lầm của ông Tập Cận Bình sau:
Tóm tắt nội dung
Sai lầm thứ 1: Trung Quốc đủ mạnh để đối đầu với các nền dân chủ
Ông Shunk cho rằng Trung Quốc có vẻ ngoài thịnh vượng, nhưng có những vấn đề nội bộ “gần như đã mục nát”.
Ông đề cập đến khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc. Ông cũng đề cập đến việc chính quyền Trung Quốc phải chi trả quá nhiều ngân sách cho việc duy trì “ổn định trong nước”. Đó thực chất là hoạt động trấn áp nỗi bất bình của dân chúng, những người ủng hộ nhân quyền, những người bất đồng chính kiến. Chi phí an ninh cũng dành để duy trì các cuộc đàn áp tín ngưỡng và các nhóm dân tộc thiểu số.
Ông Shunk cho biết, theo một báo cáo của RFA, vào năm 2013, hóa đơn an ninh nội địa trị giá 124 tỷ đô la của [ĐCSTQ] đã vượt quá ngân sách quân sự”. Nhưng kể từ đó, họ đã ngừng công bố ngân sách cho việc “duy trì ổn định”.
Nhà văn Hồng Kông bình luận: “Xét đến việc có 1,3 tỷ người ở bên trong Trung Quốc, chế độ này chỉ có vẻ đẹp bên ngoài nhưng bên dưới bề ngoài thì hầu như đã mục nát.”
Sai lầm thứ 2: Trung Quốc đã trở nên giàu có nhờ nền kinh tế vững mạnh và bền vững
Nhà văn Shunk cho biết: “Thực tế là nền kinh tế quốc gia (Trung Quốc) đang chìm trong khủng hoảng và mất cân đối nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như nợ chính quyền địa phương, bong bóng tài sản, hệ thống ngân hàng mờ mịt và không lành mạnh, tham nhũng nghiêm trọng và nhiều vấn đề khác”.
Ông nhận định những vấn đề này “sẽ làm rung chuyển Trung Quốc về nền tảng của nó nếu bất kỳ tình huống nào trong số này xảy ra sai lầm”.
Trung Quốc có khoản nợ chính quyền địa phương trị giá 2,8 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2018. Dong Dengxin, Giám đốc Viện Tài chính và Chứng khoán thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán dự báo rằng các đợt phát hành trái phiếu chính quyền địa phương chưa thanh toán của Trung Quốc có thể vượt quá 4,6 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2021, theo báo Global Times của nhà nước Trung Quốc.
Xi Junyang, giáo sư tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải nói với Global Times rằng: Kịch bản tồi tệ nhất với Trung Quốc đang hiện ra trước mắt.
Sai lầm thứ 3: Phương Tây đang suy tàn
Ông Shunk cho rằng ĐCSTQ dường như đã thành công trong việc xâm nhập và tạo ra hỗn loạn trong các nền dân chủ phương Tây. Chủ nghĩa độc tài dường như đánh bại nền dân chủ. Phương Tây có vẻ dễ bị thao túng.
Nhưng sai lầm của ông Tập Cận Bình là không nhận ra rằng thế giới đang hình thành một liên minh chống lại sự xâm nhập của ĐCSTQ. Và liên minh này “ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Ví dụ, chỉ trong năm nay, ba hội nghị thượng đỉnh lớn ở thế giới phương Tây — các hội nghị của G-7 (Nhóm 7), NATO và Hoa Kỳ – EU; đều đã nêu bật một sự thay đổi chiến lược đáng kể nhằm đối đầu với các mối đe dọa hệ thống do ĐCSTQ gây ra.
Ngoài ra, “Hoa Kỳ cũng đang thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, hay Bộ tứ và củng cố liên minh quân sự Hoa Kỳ – Nhật Bản và Hoa Kỳ – Hàn Quốc. Điều này cho thấy liên minh quân sự giữa các nước dân chủ đang ngày càng sâu sắc ”, theo Wang He, một nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc.
Sai lầm thứ 4: Các nước Châu Âu có thể dễ dàng bị thao túng
Ông Tập tin rằng EU không quan tâm đến các vấn đề nhân quyền nhiều như Hoa Kỳ và sẽ giữ im lặng về những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ để đổi lấy lợi ích kinh tế. Ông cho rằng đây sẽ là thời điểm hoàn hảo để ĐCSTQ thao túng và kiểm soát châu Âu.
Vào ngày 7 tháng 12 năm ngoái, EU đã thông qua một nghị quyết về việc trừng phạt các vi phạm nhân quyền trên toàn cầu. EU thông báo trong một tuyên bố: “Lần đầu tiên, EU tự trang bị cho mình một khuôn khổ cho phép EU nhắm mục tiêu đến các cá nhân, thực thể và cơ quan — bao gồm cả các tổ chức nhà nước và phi nhà nước — chịu trách nhiệm, tham gia hoặc liên kết với những vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng trên toàn thế giới, bất kể chúng xảy ra ở đâu”.
EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ĐCSTQ vào tháng 3 năm nay vì các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. ĐCSTQ đã trừng phạt đối với 10 người và 4 thực thể của EU, bao gồm cả các nhà lập pháp châu Âu. Các biện pháp trừng phạt của ĐCSTQ đối với EU đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. EU vào ngày 20 tháng 5 đã thông qua nghị quyết đóng băng việc phê chuẩn Thỏa thuận toàn diện về đầu tư giữa EU và Trung Quốc (CAI), để đáp trả các lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với các chính trị gia EU. Đây là hậu quả gần đây nhất từ những đánh giá sai lầm của ông Tập đối với EU, theo nhà văn Shunk.
Sai lầm thứ 5: Thị trường và chuỗi cung ứng của Trung Quốc là không thể thiếu đối với các quốc gia phương Tây
Ông Tập tin rằng các nước phương Tây sẽ phải gánh chịu hậu quả cay đắng khi mối quan hệ với Trung Quốc xấu đi; Các chính phủ sẽ buộc phải nhượng bộ dưới áp lực của các nhóm doanh nghiệp và các chuyên gia.
Tuy nhiên, thực tế lại ngược lại với nhận định của ông Tập. Căng thẳng địa chính trị của ĐCSTQ; gây hấn với các nước láng giềng và ở Biển Đông; thuế quan cao; sử dụng lao động cưỡng bức; lạm dụng các quy định của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới). Những điều này đều đang thúc đẩy các nhà máy nước ngoài ra khỏi Trung Quốc, theo Financial Express.
Tốc độ rời bỏ Trung Quốc đang tăng lên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Từ Hoa Kỳ đến Nhật Bản, châu Âu đến Úc, các chính phủ đang cân nhắc làm thế nào để đưa việc sản xuất các mặt hàng quan trọng như thiết bị bảo vệ cá nhân và dược phẩm trở về nước.
Sai lầm thứ 6: Kiểm soát công nghệ cao để kìm hãm sự bất bình của người dân
Trên thực tế, điều kiện tiên quyết để kiểm soát xã hội hiệu quả nằm ở việc nâng cao dần mức sống của người dân, theo ông Shunk. Nói cách khác, bất ổn dân sự bùng phát khi nền kinh tế suy giảm; sinh kế của người dân bị đe dọa; giá bất động sản giảm mạnh và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Một báo cáo năm 2012 của Mạng lưới Tư vấn và Nghiên cứu Trung Quốc về Trung Quốc (ECRAN) do Liên minh châu Âu tài trợ ghi nhận rằng các vụ bất ổn xã hội đã tăng từ 8.700 vụ vào năm 1993 lên 87.000 vụ vào năm 2005. Bộ Công an Trung Quốc đã ngừng công bố số liệu này năm 2005. Dữ liệu không chính thức do một nhà nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa ước tính cho rằng đã có 180.000 sự cố xảy ra vào năm 2010.
Theo báo cáo, những lý do trực tiếp dẫn đến tình trạng bất ổn tại Trung Quốc bao gồm tranh chấp đất đai; suy thoái môi trường; xung đột lao động và xung đột sắc tộc bắt nguồn từ cấu trúc thể chế của quan hệ trung ương-địa phương và bản chất độc đoán của chính trị Trung Quốc. Việc kiểm soát xã hội nhưng đánh mất sự an toàn của mọi người sẽ khiến xã hội đảo lộn, theo ông Shunk.
Sai lầm thứ 7: Hồng Kông dễ khống chế; Đài Loan có thể bị đánh chiếm bằng vũ lực; và Tân Cương sẽ bị chinh phục bằng các trại giam
Ông Shunk cho rằng mọi thứ đã không diễn ra như kế hoạch của ông Tập. Việc đàn áp Hồng Kông đã gây ra phản ứng dữ dội trên thế giới. Đài Loan đã trở thành đồng minh không thể thiếu của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Và cuộc đàn áp ở Tân Cương đã trở thành điểm yếu của ĐCSTQ. Ba vấn đề này càng làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã khó khăn của Bắc Kinh.
“Tuy nhiên, ĐCSTQ sẽ không từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, cũng như sẽ không làm giảm quyền lực tuyệt đối của Tập Cận Bình. Nhiều đánh giá sai lầm của ông Tập đã liên tiếp gây ra những tác hại không thể khắc phục được”, học giả Shunk cho biết.
Lấy Hồng Kông làm ví dụ. Kể từ khi ĐCSTQ thông qua Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, nó đã chấm dứt mô hình “một quốc gia, hai chế độ” vào ngày 30 tháng 6 năm 2020. Kể từ đó, tình hình chính trị bất ổn vẫn đang diễn ra và căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây đã gia tăng mạnh mẽ.
Vào ngày 14 tháng 7 năm 2020, Hoa Kỳ đã thu hồi quy chế thương mại đặc biệt của Hồng Kông, điều này có thể khiến hàng xuất khẩu của Hồng Kông phải chịu mức thuế cao hơn tại Hoa Kỳ. Tổ chức Di sản có trụ sở tại Washington đã loại bỏ Hồng Kông ra khỏi danh sách Chỉ số Tự do Kinh tế năm 2021. Hồng Kông từng đứng đầu danh sách trong 25 năm tính đến năm 2019. Đó là một phần hậu quả của việc Bắc Kinh ngày càng kiểm soát nền kinh tế của thành phố.
Ông Shunk cho rằng, với 7 nhận định sai lầm này, chính quyền ĐCSTQ có thể đang đi đến những ngày tháng cuối cùng của mình.
Ông viết: “Dấu hiệu của sự xuống dốc thường xuất hiện ở những nơi không dễ thấy. Tập Cận Bình đang kiệt quệ về tinh thần và thể chất. Khi một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng xảy ra, chế độ rối loạn này chắc chắn sẽ sụp đổ”.