Ảnh chụp màn hình video mà Trung Quốc tuyên bố là cuộc tuần tra 10 tiếng trên Biển Đông. |
Một đài truyền hình của nhà nước Trung Quốc có trụ sở tại tỉnh Hồ Nam đã phát sóng một bộ phim tài liệu nói rằng Không quân Trung Quốc vừa tiến hành cuộc tuần tra đường dài trên Biển Đông vào cuối tuần qua.
Video tuyên bố bốn máy bay chiến đấu Su-30MKK của Chiến khu Nam Bộ đã thực hiện màn tiếp nhiên liệu trên không trong chuyến bay kéo dài 10 tiếng đến bãi đá ngầm Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong video, một sĩ quan chỉ huy nói rằng chuyến bay này đã phá vỡ kỷ lục trước đó của Không quân Trung Quốc về các chuyến bay tầm xa, đồng thời chứng tỏ khả năng của Trung Quốc trong việc điều động bất kỳ máy bay nào đến quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, trang tin Đông Nam Á BenarNews cho biết, các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu về Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASI) – thuộc Đại học Hàng không của Không quân Hoa Kỳ – chỉ ra những điểm đáng nghi vấn trong video tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc.
Sau khi xem video và thảo luận với các đồng nghiệp, ông Brendan Mulvaney, giám đốc CASI, nói với BenarNews: “Giả sử video này phản ánh sự kiện thực tế, thì các máy bay dường như khởi hành và kết thúc chuyến đi từ thành phố Trường Sa”, thủ phủ tỉnh Hồ Nam và cũng là nơi có căn cứ của Chiến khu Nam Bộ.
Tuy nhiên, ông Mulvaney cho rằng: “Tuyên bố chuyến đi kéo dài 10 tiếng là vô lý. Thành phố Trường Sa chỉ cách quần đảo Trường Sa hơn 1.300 dặm (hơn 2.000 km), nên chỉ mất 2-3 tiếng nếu bay với tốc độ bình thường. Còn với chuyến bay khứ hồi mất 10 tiếng, thì họ phải bay với tốc độ 260 dặm/giờ, điều đó khó xảy ra”.
Các chuyên gia phỏng đoán, nếu thật sự có cuộc tập trận mà Trung Quốc tuyên bố, thì nó không phải là để kiểm tra năng lực của máy bay, mà là kiểm tra thể lực của các phi công trong điều kiện bay đường dài.
Ông Mulvaney cho biết: “Chiến cơ Su-30MKK có khả năng duy trì các chuyến bay kéo dài 10 tiếng nếu được tiếp nhiên liệu trên không. Vấn đề đặt ra là liệu phi công có đủ thể chất để tham gia chuyến bay như vậy hay không”.
Đá Subi là rạn san hô mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền, nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ và xây dựng thành một trong 4 hòn đảo nhân tạo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa.
Theo BenarNews, các tàu thuyền Trung Quốc đang sử dụng Đá Subi như một điểm dừng chân quan trọng ở Biển Đông. Tờ báo này cho biết hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy 2 chiếc tàu Hải cảnh Trung Quốc đã xuất hiện ở Đá Subi vào sáng ngày 3/8.