Hai động thái quan trọng sắp diễn ra ở Trung Quốc đều liên quan đến việc lãnh đạo Tập Cận Bình muốn “giữ ghế” suốt đời.
Báo Nikkei Asia của Nhật Bản sáng nay (21/10) đã đăng bài phân tích về vấn đề này.
Ông Katsuji Nakazawa, nhà phân tích cấp cao của Nikkei, cho biết: Một diễn biến được gọi là “nghị quyết lịch sử thứ ba”; nội dung của nó sẽ được công khai vào tháng tới.
Diễn biến thứ hai là việc Trung Quốc đưa ra một thời gian biểu cho mục tiêu chính trị mới của ông Tập; đó là “thịnh vượng chung”.
“Nghị quyết lịch sử thứ ba” thể hiện tham vọng giữ ghế của ông Tập Cận Bình
Một nguồn tin từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nói với Nikkei về nghị quyết thứ ba: “Không có gì phải nghi ngờ về việc Chủ tịch Tập đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo trọn đời; cạnh tranh với hai nhân vật đã ban hành nghị quyết thứ nhất và thứ hai.”
Hai nhân vật được đề cập đến là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình; cả hai đều nắm giữ quyền lực cho đến ngày chết.
Hôm 18/10, Bộ Chính trị của ĐCSTQ quyết định tổ chức một cuộc họp chính trị quan trọng từ ngày 8/11 đến ngày 11/11. Thông báo của Bộ Chính trị cho biết: Phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương khóa 9 ĐCSTQ sẽ thảo luận và thông qua một “nghị quyết quan trọng về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử của Đảng trong 100 năm không ngừng nỗ lực”. Đó gọi là nghị quyết lịch sử thứ ba.
ĐCSTQ đã thông qua 2 nghị quyết lịch sử trong quá khứ.
Văn kiện đầu tiên được đưa ra vào năm 1945, bốn năm trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc giành chính quyền và đặt tên nước là “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Mao Trạch Đông đã chỉ đạo đưa ra nghị quyết lịch sử thứ nhất.
Nghị quyết thứ hai được viết dưới thời Đặng Tiểu Bình, người chuyển đổi sang chính sách “cải cách và mở cửa”. Nghị quyết này tố cáo cuộc Cách mạng Văn hóa 1966-1976 dưới thời Mao Trạch Đông; nhưng công nhận một số thành tựu của nhà lãnh đạo.
Một điều đáng lưu ý là việc Mao và Đặng đều nắm quyền lãnh đạo tối cao ở Trung Quốc cho đến khi họ trút hơi thở cuối cùng. Mao tạm thời mất quyền lực sau khi quản lý kinh tế yếu kém nghiêm trọng nhưng đã trở lại thông qua Cách mạng Văn hóa. Đặng nắm giữ quyền lực khổng lồ ngay cả khi đã nghỉ hưu khỏi các chức vụ chính thức – đến mức ông có thể thay thế bất kỳ người kế nhiệm nào chỉ bằng một mệnh lệnh.
“Nghị quyết lịch sử thứ ba có một ý nghĩa quan trọng. Nói một cách đơn giản, nghị quyết mới này chỉ ra khả năng ông Tập sẽ trở thành nhân vật vĩ đại thứ ba trong lịch sử ĐCSTQ”, theo Nikkei.
Chiến lược “giữ ghế” trọn đời
Ông Tập Cận Bình lên nắm quyền tổng bí thư vào mùa thu năm 2012, sau đó đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Trung Quốc vào mùa xuân năm 2013. Trong thập niên lãnh đạo của mình, ông hiện đang tìm cách ban hành một nghị quyết lịch sử, mô phỏng theo cách làm của Mao, theo Nikkei.
Bài báo viết: “Hình mẫu của Tập là Mao, không phải Đặng”.
Tương tự như Phong trào Chỉnh đốn của Mao Trạch Đông khi mới nắm quyền, ông Tập đã bắt đầu một chiến dịch chống tham nhũng khốc liệt, “tiêu diệt hết kẻ thù này đến kẻ thù khác”.
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập vẫn còn tiếp diễn. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình đang phát động một chiến dịch mới, gọi là “thịnh vượng chung”.
Nguồn tin của Nikkei cho biết ông Tập có “mục tiêu chính trị lớn là thịnh vượng chung”; và Trung Quốc sẽ “theo đuổi mục tiêu này một cách cẩn thận trong vòng 10 hoặc 15 năm tới”.
Ông Tập có kế hoạch giữ ghế thêm một nhiệm kỳ thứ ba, là từ 2022 đến 2027. Nhưng những động thái gần đây khẳng định rằng ông ta còn muốn giữ ghế lâu hơn, thậm chí cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Trong quá trình đó, Nikkei cho rằng ở Trung Quốc sẽ tiếp tục có những diễn biến đáng chú ý.
Bài báo viết: “Điều này mới chỉ là khởi đầu. Hãy chuẩn bị xem những diễn biến chưa từng có khi ông Tập kéo dài thời gian cầm quyền.”