Chiều 2/12, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (45 tuổi, ở Hà Nội) phải nhập viện do nhiễm độc sau khi bị con cu li cắn.
Báo Doanh nghiệp & Tiếp thị thông tin, trước đó, sau khi bắt con cu li thoát khỏi cũi, người phụ nữ 45 tuổi bị cắn vào bàn tay. Ngay sau khi bị cu li cắn vài phút, người phụ nữ thấy tê bì đầu các ngón tay và ngón chân, đau buốt vùng bị cắn, giọng nói yếu đi hẳn, cảm giác trống ngực.
Sau khi được cấp cứu và làm một số xét nghiệm, kiểm tra, rà soát các tài liệu và chẩn đoán thì các bác sĩ khẳng định, bệnh nhân bị nhiễm độc sau khi bị cu li cắn.
Đây là một trường hợp ít gặp, lần đầu tiên Trung tâm Chống độc tiếp nhận. Bệnh nhân đã được điều trị, kiểm tra đánh giá, hiện sức khỏe đã hồi phục, ra viện.
Hình ảnh con cu li được gửi tới các chuyên gia về động vật, cho thấy thuộc giống Nycticebus, họ cu li Lorisidae, bộ linh trưởng (Primate).
Giám đốc Trung tâm Chống độc, ngày 2/12 cho biết được báo VnExpress đăng tải, cu li là sinh vật được nhiều người ở Việt Nam nuôi làm cảnh. Tuy nhiên, loài này đã được đưa vào sách đỏ và bị cấm nuôi nhốt, buôn bán.
Việt Nam có hai loài là cu li lớn Nycticebus coucang và cu li nhỏ Nycticebus pygmaeus. Chúng thường sống ở rừng xanh nguyên sinh hoặc thứ sinh. Loài này thường kiếm ăn ban đêm với thức ăn chủ yếu là côn trùng, bọ cánh cứng, nhựa cây đóng cục.