Gần đây kinh tế nước ta đang phục hồi, riêng tháng 10, Việt Nam nhập về xăng dầu tăng gần 10% cả về lượng và trị giá. Nhập khẩu từ Hàn Quốc trong tháng 10 là cao nhất, đạt 144.634 tấn, trị giá 58,79 triệu USD.
10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu giảm 15%
Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 6,88 triệu tấn xăng dầu, trị giá trên 2,71 tỉ USD; lần lượt giảm 15% về lượng và giảm 45,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng trong tháng 10, nhập khẩu xăng dầu về nước đạt 489.449 tấn với trị giá 181,18 triệu USD, tăng gần 10% cả về lượng và trị giá so với tháng 9 nhờ sản xuất dần phục hồi trong những tháng gần đây.
Theo báo Công Thương, sự hồi phục thể hiện qua số liệu trong tháng 10/2020. Cụ thể, nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Trung Quốc tuy chỉ 43.915 tấn, nhưng tăng 601% so với tháng 9/2020 (6.265 tấn). Tại Malaysia tăng 39,3% về lượng và tăng 46,8% kim ngạch so với tháng 9/2020, đạt 188.168 tấn; nhập khẩu từ Thái Lan tăng 26,6% về lượng và tăng 30,3% về kim ngạch, đạt 76.262 tấn, trị giá 26,56 triệu USD; nhập khẩu từ Hàn Quốc trong tháng 10 là cao nhất, đạt 144.634 tấn, trị giá 58,79 triệu USD.
Điểm đặc biệt, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc trong tháng 10 tăng 601% về lượng và 592,2% về trị giá. Sản lượng xăng dầu Trung Quốc nhập về trong nước là 43.915 tấn, tương đương 16,87 triệu USD.
Hoạt động nhập khẩu phụ thuộc thời điểm doanh nghiệp ký giao nhận xăng
Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu xăng dầu vào Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất. Trong khi các thị trường Singapore, Hàn Quốc… thì mức nhập khẩu sụt giảm.
Báo Người Lao Động dẫn lời đại diện Bộ Công Thương cho biết, lượng xăng dầu nhập khẩu từ Trung Quốc gần 44.000 tấn trong tháng 10 là khá nhỏ so với số lượng nhập từ nhiều thị trường khác. Hoạt động nhập khẩu phụ thuộc thời điểm doanh nghiệp ký giao nhận xăng nên sẽ có lượng nhập dồn vào 1 thời điểm.
“Dầu diesel của Trung Quốc hiện chào giá rẻ hơn so với dầu của Nghi Sơn khoảng 1 USD/tấn nên một số doanh nghiệp đã lựa chọn nhập của nước bạn về để phục vụ nhu cầu trong nước hoặc tái xuất qua Lào, Campuchia” – đại diện Bộ Công Thương nói thêm.