10 năm trước, mức trần làm thêm là 30 giờ/tháng; đến nay tăng lên 60 giờ; hiện các ngành nghề được phép làm thêm 300 giờ/năm cũng mở hết biên độ.
Tóm tắt nội dung
Mở rộng tất cả nhóm ngành nghề làm thêm
Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết quy định về số giờ làm thêm, có hiệu lực từ 1/4/2022 đến hết 31/12/2022. Theo đó, giờ làm thêm mỗi tháng của người lao động các ngành nghề tối đa 60 giờ, khống chế 300 giờ mỗi năm.
Các trường hợp không áp dụng giờ làm thêm gồm: Người lao động từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi; người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Trước đó, tại Bộ luật lao động năm 2012 quy định mức trần làm thêm là 30 giờ/tháng, tại Bộ luật lao động 2019 là 40 giờ/tháng; như vậy, trần làm thêm hiện nay cao hơn trước lần lượt là 2 và 1,5 lần.
Ngành nghề được làm thêm 300 giờ/năm cũng thay đổi. Theo Bộ luật lao động năm 2012, quy định trên chỉ áp dụng cho 7 nhóm ngành nghề: Dệt may, da giày; chế biến nông lâm thủy sản; sản xuất cung cấp điện; viễn thông; lọc dầu; cấp thoát nước; cấp bách do thiên tai sự cố. Bộ luật lao động 2019 mở rộng thêm các nhóm: Diêm nghiệp; Giải quyết việc cần tay nghề lao động cao; trường hợp do Chính phủ quy định. Ở Nghị quyết ngày 23/3/2022, đối tượng làm thêm 300 giờ/năm được mở rộng tới tất cả ngành nghề, chỉ trừ một số trường hợp.
Buộc phải làm thêm mới đủ sống
Song song với quy định tăng trần làm thêm; vấn đề được nhiều người lên tiếng thời gian qua là sự khó khăn của người lao động do mức lương thấp.
Trên báo Lao động ngày 19/3 đăng bài viết “Không làm thêm sẽ không đủ sống”. Trong bài viết, chị Ngọc A. – công nhân thâm niên 10 năm tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, nếu không làm thêm, cộng vài khoản phụ cấp khác, tổng thu nhập của chị khoảng 7 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này chỉ đảm bảo sinh hoạt nếu công nhân ở một mình; còn khi lập gia đình, sinh con chắc chắn sẽ không đủ.
Sắp sinh con thứ 3 nên chị A. rất áp lực về chuyện tiền bạc. Vì vậy, nữ công nhân này bắt buộc phải làm thêm để có mức thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng.
Đối với nhiều công nhân khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), để đạt được mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng, họ phải làm thêm các ngày trong tuần và làm thêm 2 chủ nhật trong tháng. Nếu không tăng ca, thì sẽ rất khó sống trong thời bão giá; dù việc tăng ca khiến người lao động mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần.
Chỉ là giải pháp tình thế?
Phía những người làm chính sách cũng hiểu rằng, việc người lao động chọn làm thêm giờ (và tới đây là làm thêm nhiều hơn nữa) bởi họ chịu áp lực đời sống. Nhiều người lao động đã bị tàn phá sức lực khi nhiễm Covid-19. Trong khi chưa hồi phục sức khỏe, họ vẫn buộc phải làm tăng ca để có thể cân bằng thu chi trong gia đình. Do vậy, nhiều người cho rằng, có cố làm thêm, thì cũng chỉ trong sức chịu đựng
Điều này được thể hiện qua kết quả khảo sát của VnExpress. Lấy ý kiến từ ngày 22-23/3, trong gần 3.000 độc giả trả lời, 45% lựa chọn giữ như quy định hiện hành, tức làm thêm không quá 40 giờ mỗi tháng, tối đa 200 giờ mỗi năm; chỉ 12% lựa chọn tăng lên 56-60 giờ mỗi tháng, tối đa 300 giờ mỗi năm, còn lại là các lựa chọn khác.
Trấn an về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nói trong phiên thông qua Nghị quyết rằng: “Dịch thì sức ép đối với việc gia đình, chăm lo con cái cũng lớn nên cần nhìn nhận toàn diện vấn đề này. Giờ làm thêm tăng lên 60 giờ mỗi tháng cũng chỉ là tình thế trong thời gian dịch Covid-19”.