Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, châu Âu có thể áp dụng rất nhiều các phương án để trợ giúp hòn đảo này; từ việc chống lại các cuộc tấn công mạng, phá vỡ phong tỏa hàng không và hàng hải, cho đến tên lửa đạn đạo và các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Dưới đây là các ý chính trong bài phân tích của hai học giả là Franz-Stefan Gady và Meia Nouwens trên tờ Nikkei Asia ngày 10/4:
Khả năng quân đội Trung Quốc xâm lược Đài Loan trong thập niên tới đang ngày càng tăng. Một cuộc xung đột như vậy dù dưới hình thức nào đều có khả năng lôi kéo Mỹ và các đồng minh, đối tác ở Tây Thái Bình Dương.
Nếu một cuộc chiến như vậy nổ ra, châu Âu có khả năng bị Mỹ và các đối tác ép phải đáp trả. Các quốc gia châu Âu lớn hơn và EU có thể lựa chọn một loạt các phương án quân sự để hỗ trợ Đài Loan và Mỹ.
Tóm tắt nội dung
Phương án quân sự châu Âu có thể trợ giúp Đài Loan
Chống lại tấn công mạng của Trung Quốc
Pháp, Hà Lan và Anh, vẫn giữ được năng lực quân sự mạng mạnh mẽ và có thể cung cấp kinh nghiệm hoạt động và giúp Đài Loan chống lại tấn công mạng từ Trung Quốc.
Trường hợp Trung Quốc thực hiện phong tỏa hàng không và hàng hải, châu Âu có thể trưng dụng các máy bay chở hàng dân dụng để tổ chức hoặc tham gia vào một cuộc không vận quốc tế để phá vỡ phong tỏa của Bắc Kinh. Điều này có thể được thực hiện bởi Trung tâm Điều phối Ứng phó Khẩn cấp của EU hoặc thông qua một thỏa thuận đột xuất giữa các quốc gia châu Âu tham gia.
Chống lại tấn công tên lửa hàng không và hàng hải
Trung Quốc cũng có thể tấn công bằng tên lửa và không kích vào các mục tiêu được chọn, kết hợp với các hoạt động tấn công mạng nhằm làm suy giảm khả năng phòng thủ của Đài Loan và buộc hòn đảo này phải khuất phục.
Một số quốc gia EU có thể chọn vận chuyển các hệ thống phòng thủ tên lửa và hệ thống tác chiến điện tử trên mặt đất vào Đài Loan trước khi xảy ra xung đột quân sự. Nếu việc triển khai tới Đài Loan được coi là không thực tế, quân đội châu Âu có thể đề nghị tăng cường các căn cứ quân sự của Mỹ cũng như đồng minh trong khu vực, mặc dù điều này đòi hỏi phải có các thỏa thuận song phương giữa các quốc gia châu Âu tương ứng và các chính phủ sở tại.
Cuối cùng, để đối phó với một cuộc xâm lược toàn diện của Trung Quốc, một số nước châu Âu có thể cung cấp lực lượng không quân đáng kể cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để hỗ trợ các lực lượng Đài Loan và Hoa Kỳ.
Các hoạt động tác chiến trên mặt nước đối phó Bắc Kinh
Ngoài ra, các nước châu Âu có thể triển khai lực lượng hải quân ở khu vực lân cận Đài Loan cho các hoạt động tác chiến mặt nước chống lại quân đội Trung Quốc, các nhiệm vụ tấn công trên bộ hoặc phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Để thực hiện được điều này, châu Âu có thể điều động các tàu ngầm cũng như một nhóm tác chiến tàu sân bay chung của châu Âu; hoặc có thể đề nghị thay thế các khí tài hải quân của Mỹ ở Trung Đông để cho phép Mỹ tập trung vào Tây Thái Bình Dương.
Châu Âu sẽ áp đặt các biện pháp kinh tế trừng phạt Trung Quốc
Châu Âu có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với nền kinh tế Trung Quốc nếu xóa tan giả định họ quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Thường thì có vẻ như châu Âu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên khả năng sản xuất của Bắc Kinh cũng phụ thuộc vào máy móc của châu Âu, và điều đó tạo cơ hội cho châu Âu hành động.
Mặc dù Nghị viện EU đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc hỗ trợ Đài Loan; các quốc gia thành viên vẫn cân nhắc liệu họ có thể tìm cách làm sâu sắc hơn quan hệ Đài Loan hay sửa đổi chính sách “một Trung Quốc” của họ.
Tất nhiên, bất kỳ hành động nào của EU để ngăn chặn một cuộc xung đột quân sự trên eo biển Đài Loan, cuối cùng sẽ phụ thuộc vào ý chí chính trị của châu Âu.
Bắc Kinh có thể vẫn chưa chuyển sang biện pháp cuối cùng là ‘thống nhất bằng vũ lực’ trong vài năm tới. Do đó, EU cần sớm quyết định về vai trò của họ trong trường hợp xảy ra cuộc chiến ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương này.
Còn việc Trung Quốc đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu thì sao? Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc chẳng thể làm gì ngoài “võ mồm”. Ví dụ, Bắc Kinh cấm nhập khẩu thịt bò và than từ Caberra nhưng vẫn nhập khẩu quặng sắt của Úc. Điều này cho thấy Bắc Kinh vẫn phụ thuộc phần lớn vào Canberra.