Trong khi các quốc gia châu Âu đang vật lộn để chuẩn bị cho một mùa đông lạnh giá, với nguồn cung cấp khí đốt bị Nga cắt giảm, thì công ty Gazprom của Nga đang đốt bỏ một lượng lớn khí đốt hàng ngày.
Tóm tắt nội dung
Ngọn lửa “bí ẩn”
Mùa đông lạnh giá đang đến gần và cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu ngày càng trở nên trầm trọng khi Nga cắt giảm dần nguồn cung khí đốt cho EU.
Trong bối cảnh khủng hoảng đó, cả châu Âu đang dồn mắt tới một địa điểm nằm gần biên giới giữa Nga và Phần Lan, nơi một ngọn đuốc khổng lồ đang bốc cháy ngùn ngụt suốt 24h trong ngày kể từ tháng 6 cho đến nay.
Ngọn đuốc lửa này thuộc trạm LNG của Nga: Công ty Portovaya là một trạm nén thuộc đường ống “North Stream 1” vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.
Số liệu cho thấy trạm nén khí này đốt trung bình khoảng 4,34 triệu mét khối khí tự nhiên mỗi ngày, trị giá khoảng 10 triệu đô la.
Với tốc độ đốt cháy này, khoảng 1,6 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên sẽ bị đốt trong một năm, chiếm 0,5% tổng nhu cầu của EU. Ngay sau khi tin tức này được đưa ra, đã dấy lên sự bàn tán rộng rãi.
Châu Âu không mua, Nga phải đốt bỏ khí đốt?
BBC đã đưa tin công ty khí đốt tự nhiên ở Portovaya, gần biên giới Phần Lan với Nga, đang đốt cháy lượng khí đốt ước tính trị giá 10 triệu USD mỗi ngày. Theo các chuyên gia năng lượng, số khí đốt đang bị đốt bỏ này trước đây được xuất khẩu sang châu Âu.
Đại sứ của Đức tại Anh, ông Miguel Berger nói với BBC News rằng, những nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga đã “có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Nga”.
“Họ không có nơi nào khác có thể bán khí đốt của mình, vì vậy họ phải đốt nó đi”, đại sứ Đức đã gợi ý như vậy, có lẽ để tạo nên một hình ảnh khá ‘lạc quan’ về tình hình năng lượng của châu Âu, và sự ảm đạm của các công ty năng lượng Nga.
Nhưng lại có những cách giải thích khác về ngọn đuốc cháy suốt ngày đêm này. Mark Davis, Giám đốc điều hành của Capterio, một công ty cung cấp giải pháp thay thế thân thiện với môi trường tin rằng, việc Nga đốt năng lượng là một hành động có chủ ý, vì các nguyên nhân liên quan đến hoạt động khai thác khí đốt.
Ông Mark Davis nói: “Các nhà điều hành thường rất do dự trong việc đóng cửa các cơ sở (khai thác), vì sợ rằng có thể gặp khó khăn về mặt kỹ thuật hoặc tốn kém để khởi động lại, và có thể là trường hợp này.”
Theo BBC, công ty Gazprom “có thể đã có ý định sử dụng lượng khí đó để sản xuất LNG tại nhà máy mới, nhưng có thể đã gặp vấn đề trong việc xử lý và lựa chọn an toàn nhất là loại bỏ chỗ khí đốt này đi”.
Tuy nhiên, chuyên gia Sindre Knutsson của công ty năng lượng Rystad Energy Na Uy, lại có quan điểm khác về việc ngọn lửa khổng lồ đang bùng cháy và cho rằng Nga đang gửi đi một thông điệp.
Knutsson giải thích: “Trong khi lý do chính xác cho vụ bùng cháy vẫn chưa được biết rõ, khối lượng, lượng khí thải và vị trí của ngọn lửa là một lời nhắc nhở rõ ràng về sự thống trị của Nga trong các thị trường năng lượng của châu Âu”.
“Không thể có một tín hiệu rõ ràng hơn, rằng Nga có thể hạ giá năng lượng vào ngày mai. Đây là lượng khí đốt mà lẽ ra có thể được xuất khẩu qua đường ống Nord Stream 1 hoặc các lựa chọn thay thế”.
Sky News cho biết, số lượng khí đốt tự nhiên mà công ty Portovaya LNG của Nga đang đốt bỏ này có thể “cung cấp đủ cho 1,5 triệu hộ gia đình ở châu Âu”.
Ai trả tiền cho việc hủy hoại môi trường
Trong khi đó các nhà môi trường lại nhấn mạnh đến lượng phát thải từ ngọn lửa này sẽ gây nguy hại cho Bắc Cực.
Việc đốt bỏ một lượng lớn khí đốt tự nhiên sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng đến môi trường. Với 4,34 triệu mét khối khí tự nhiên bị đốt bỏ đi mỗi ngày tại trạm khí nén Portovaya (Nga), sẽ thải ra khoảng 9.000 tấn carbon dioxide, gây thảm họa cho môi trường thế giới.
Thật vậy, việc đốt rác quy mô lớn cũng sẽ thải ra một lượng lớn các chất độc hại như muội mêtan, rất có khả năng đẩy nhanh quá trình tan băng và tuyết ở Bắc Cực.
Giáo sư Matthew Johnson của Đại học Carleton ở Canada cho biết: “Mối quan tâm đặc biệt với việc bùng phát ở các vĩ độ Bắc Cực là sự vận chuyển carbon đen phát thải về phía bắc, nơi nó lắng đọng trên băng tuyết và làm tăng tốc độ tan chảy một cách đáng kể”.
“Một số ước tính được trích dẫn nhiều đã cho rằng ngọn lửa này là nguồn chủ yếu gây ra sự lắng đọng carbon đen ở Bắc Cực và bất kỳ sự gia tăng bùng phát nào ở khu vực này đều không được hoan nghênh.”
Bên cạnh những lo ngại về môi trường, giá nhiên liệu ở Bắc Âu nói chung và đặc biệt là ở Đức, đã tăng đều đặn do Gazprom cắt giảm 80% lưu lượng của đường ống North Stream 1 vào tháng Bảy. Nhập khẩu từ Nga trước đây chiếm 40% tổng lượng khí đốt được sử dụng ở EU.
Thà đốt bỏ còn hơn bán cho các quốc gia “không thân thiện”
Ngay cả khi Nga cố tình đốt bỏ một lượng lớn lên tới hàng triệu mét khối khí đốt tự nhiên hàng ngày, nước này vẫn nhất quyết không nâng mức khối lượng cung cấp cho châu Âu trước thời điểm bảo trì đường ống NS1 hồi tháng 7 (40%).
Quyết định này được cho là đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu, khi EU sẽ hướng tới mục tiêu “cai” hoàn toàn khí đốt của Nga cho đến năm 2027.
Qua đây cũng có thể thấy quyết tâm của Nga trong việc sử dụng khí đốt tự nhiên để phân hóa và tấn công các nước phương Tây.
Có nhiều lý do để giải thích cho việc Nga cố tình đốt bỏ khí tự nhiên dư thừa mà quyết không bán, không hạ giá cũng như không nâng nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, gồm một số nguyên nhân sau:
- Thứ nhất, đường ống North Stream 1 ban đầu là một đường ống để Nga vận chuyển khí đốt tự nhiên sang Đức.
Tuy nhiên, sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, các nước châu Âu đã cùng Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Nga ngay lập tức trả đũa bằng cách cắt giảm dần lượng lớn khí đốt tự nhiên cho EU qua đường ống này.
- Thứ hai, để tìm được bên mua phù hợp và vận chuyển khối lượng khí đốt dư thừa ngay lập tức không phải là điều dễ dàng.
Việc ngừng khai thác các mỏ khí đốt tự nhiên tương đương với việc bỏ các giếng khí đốt tự nhiên, và càng khó khăn hơn về mặt kỹ thuật khi Nga muốn khai thác trở lại. Do đó, chỉ có thể đốt cháy một lượng lớn khí tự nhiên.
- Thứ ba, một thời gian trước đó, công ty Gazprom đã gửi 6 tuabin North Stream 1 đến Canada để sửa chữa, nhưng đã bị hải quan nước này tịch thu theo lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt.
Nếu không có động cơ tuabin quan trọng này, North Stream 1 sẽ không thể hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, khí tự nhiên đã vào trạm nén, nếu không vận chuyển được ra ngoài, một khi lượng lớn khí gas tồn đọng vượt quá giới hạn cho phép sẽ gây ra cháy nổ lớn. Thay vì chờ đợi tìm kiếm đối tác mới, hoặc một thảm họa sẽ xảy ra, phương án đốt bỏ lượng khí khai thác mỗi ngày này sẽ dễ dàng hơn nhiều.
- Thứ tư, bất chấp lượng khí bị bỏ đi này tiêu tốn 10 triệu đô la/ngày, Nga vẫn không bị tổn thất.
Thêm nữa, việc châu Âu từ bỏ khí đốt của Nga để tìm kiếm bằng các nguồn cung khác từ Trung Đông, Mỹ, châu Phi và Trung Quốc, cũng giúp Nga tiêu thụ được khí đốt qua nhiều kênh trung gian. Trong đó, hiện Châu Âu đang nhập một lượng lớn LNG của Nga từ Trung Quốc.
Nên việc đốt bỏ khí dư thừa chỉ tại 1 trạm nén không gây ảnh hưởng nhiều đến túi tiền của Nga. Trước các đòn trừng phạt, kinh tế của Nga không bị ảnh hưởng lớn. Ngược lại, khi giá năng lượng tiếp tục tăng cao, Nga đã kiếm được rất nhiều tiền.
Tính đến thời điểm này, chỉ có các nước châu Âu chịu tổn thất trong khi Nga vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi thêm 2 tháng nữa là tới mùa đông lạnh giá, EU liệu có thể chối bỏ khí đốt của Nga?
Nền kinh tế các nước châu Âu bị tàn phá
Có thể nói, trong cuộc đấu trí trên mặt trận năng lượng, châu Âu đã thua triệt để trước Nga.
Giá năng lượng ở Anh đã để tăng gấp ba lần đối với các hộ gia đình trung bình trong mùa đông này khi các lệnh trừng phạt chống Nga bắt đầu xảy ra.
Sky News cho biết :
“Hàng triệu hộ gia đình sẽ chứng kiến hóa đơn năng lượng của họ tăng vọt khi giới hạn giá tăng lên 3.549 bảng Anh (4.170 USD)/năm, khiến nhiều người rơi vào tình trạng khó khăn tài chính”.
Dự báo giá năng lượng tại Anh sẽ tăng mức tăng kỷ lục 80% trong tháng 10, và người tiêu dùng mặc định phải trả thêm 1.578 bảng Anh (1.854 đô la) cho chi phí sinh hoạt phát sinh.
Bloomberg cho biết: “Giá năng lượng trên khắp châu Âu đã tăng mạnh. Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu hướng tới mức tăng hàng tuần lớn nhất trong hơn hai tháng qua, với giá tăng tuần thứ sáu liên tiếp khi Moscow siết chặt nguồn cung.
Giá điện chuẩn của Đức cho năm tới tăng trên 800 euro (hơn 800 USD) mỗi megawatt giờ, cao hơn gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá điện của Pháp lần đầu tiên tăng trên 1.000 euro. Điện năng của Vương quốc Anh đang giao dịch ở mức cao gấp 10 lần mức trung bình trong hai thập kỷ”.
Trong khi ấy, giá năng lượng của người Nga bằng khoảng 1/3 (hoặc thấp hơn) so với Anh và EU đang nhập từ các nguồn cung thay thế khác.
Đức và Tây Ban Nha đã áp đặt các hạn chế tiết kiệm năng lượng và tranh giành các nguồn khí đốt thay thế. Hiện các nước châu Âu đang cố gắng giải quyết vấn đề năng lượng bằng cách đưa ra nhiều “biện pháp tiết kiệm năng lượng” khó hiểu.
Chính phủ Đức thậm chí còn kêu gọi người dân ít tắm, hạn chế dùng vòi hoa sen. Pháp cấm sử dụng quảng cáo chiếu sáng ban đêm.
Nhiều quốc châu Âu bị mắc kẹt trong “cơn hoảng loạn mùa đông” ngay cả khi đang giữa mùa hè. Doanh thu từ việc bán lò sưởi điện, than và gỗ đã tăng lên chóng mặt.
Một số đại lý than của Đức cho biết chỉ sau mùa hè, lượng dự trữ của họ đã được bán hết từ trước, điều chưa từng có.
Ba Lan, quốc gia ủng hộ Ukraine và chống Nga mạnh mẽ nhất cũng không ngoại lệ.
Theo Reuters , khi Ba Lan vẫn còn đang chìm trong cái nóng cuối hè, thì hàng trăm ô tô và xe tải đã xếp hàng dài tại mỏ than Lubelski Wegiel Bogdanka, vì người dân Ba Lan lo sợ không có đủ nhiên liệu sưởi ấm trong mùa đông.
Nhiều người đã phải lái xe từ xa đến, xếp hàng từ nửa đêm với hy vọng mua được vài tấn than dự trữ cho gia đình. Hiện 4 triệu hộ gia đình ở Ba Lan sống dựa vào than để sưởi ấm, và đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt do giá khí đốt tăng cao.
Ukraine lên kế hoạch vay tiền mua khí đốt sưởi ấm mùa đông
Tờ Strana.ua (Ukraine) đưa tin nước này có kế hoạch vay 346 triệu USD để mua khí đốt tự nhiên. Các khoản tiền này sẽ thông qua các khoản vay nợ nước ngoài.
Tuy nhiên EU cũng đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, khi giá cả leo thang phi mã bởi chi phí năng lượng gia tăng. EU đã hứa viện trợ cho Ukraine 9 tỷ euro, nhưng mới chỉ giải ngân 1 tỷ, và vẫn còn “treo” 8 tỷ do Đức trì hoãn.
Thêm nữa, số tiền Ukraine vay để mua khí đốt không phải là quá nhiều (346 triệu USD) nếu so với hàng tỷ đô la viện trợ vũ khí mà Mỹ và châu Âu hỗ trợ. Tuy nhiên ngay cả khi vay được số tiền này, thì Ukraine sẽ mua khí đốt tự nhiên từ nguồn nào.
Chắc chắn không phải là Nga, vì Ukraine là bên yêu cầu mạnh mẽ châu Âu phải từ bỏ hoàn toàn năng lượng của Nga. Nguồn năng lượng của Ukraine chủ yếu dựa vào nguồn cung từ châu Âu.
Nhưng thời điểm này EU còn không đủ khí đốt cho công dân của họ, khi người dân ở Anh, Pháp, Đức, Ba Lan và các quốc gia khác đang phải gom củi để sưởi ấm thì lấy đâu năng lượng để hỗ trợ cho Ukraine?
Kết
Trong khi đó, Tổng thống Putin đã đưa ra lời kêu gọi mở rộng quân đội Nga thêm 137.000 người khi cuộc chiến ở Ukraine đang bế tắc.
Sky News đưa tin, các nhà ngoại giao Nga đã báo hiệu rằng một giải pháp thương lượng là không có khả năng xảy ra: “Đó là một tín hiệu cho thấy ở phía bên kia, trong suy nghĩ của Vladimir Putin, ý tưởng về một cuộc đối thoại, thậm chí về một lệnh ngừng bắn, là rất, rất xa”.
Có vẻ như Nga vẫn tiếp tục duy trì một cuộc chiến lâu dài, và Tổng thống Putin có vẻ như đang nhắc nhở châu Âu, rằng mùa đông khắc nghiệt đang đến.