Đài CGTN của nhà nước Trung Quốc công bố video về một cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông (ảnh chụp màn hình Youtube). |
Trong cuộc họp báo hôm 2/9, Ngoại trưởng Pompeo cho biết: “Từ eo biển Đài Loan, đến dãy Himalaya và xa hơn nữa, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang áp dụng hình thức bắt nạt các nước láng giềng một cách rõ ràng và ngày càng gia tăng”.
Ông Pompeo nói tiếp: “Thói bắt nạt đó cũng thể hiện rõ ở Biển Đông. Tuần trước, Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế thị thực đối với các cá nhân và thực thể Trung Quốc chịu trách nhiệm cho chủ nghĩa đế quốc của ĐCSTQ ở đó, họ thực hiện những việc như giám sát năng lượng trái pháp luật, hoạt động trong các khu kinh tế thuộc đồng minh Philippines của chúng tôi và các nước khác”.
Ngoại trưởng Pompeo cũng đề cập đến tình trạng khai thác trộm của hàng trăm tàu Trung Quốc ở khu vực quần đảo Galapagos thuộc chủ quyền của quốc gia Nam Mỹ Ecuador.
Ông Pompeo nói: “Trước tình trạng coi thường pháp luật như vậy, không có gì ngạc nhiên khi ứng cử viên của Bắc Kinh nhận được nhiều phiếu trắng hơn bất kỳ ứng viên nào khác trong cuộc bầu chọn của Tòa án Quốc tế về Luật Biển vào tuần trước”.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: “Trung Quốc là nước vi phạm rõ ràng nhất đối với Công ước về Luật Biển, các quốc gia trên toàn thế giới đều đang phản đối”.
Ngoại trưởng Pompeo còn đề cập đến hoạt động đàn áp người Tây Tạng của chính quyền Trung Quốc. “Chúng tôi cũng lo ngại về các hành động của Trung Quốc ở Tây Tạng, khi Tổng Bí thư (ĐCSTQ Tập Cận Bình) gần đây kêu gọi “Hán hóa” Phật giáo Tây Tạng và chống lại ‘chủ nghĩa chia rẽ’ ở đó”.
Tây Tạng từng là quốc gia độc lập, cho đến khi bị quân đội Trung Quốc xâm chiếm vào năm 1951, Bắc Kinh gọi đây là “cuộc giải phóng hòa bình”. Lãnh tụ của Phật giáo Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma đã phải lưu vong sang Ấn Độ vào năm 1959 sau một cuộc nổi dậy bất thành của người dân Tây Tạng.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh đối thoại với Đạt Lai Lạt Ma hoặc các đại diện của ông ấy mà không cần có điều kiện tiên quyết nào, nhằm đạt được một thỏa thuận giúp giải quyết những khác biệt giữa hai bên”.