Giá vàng trượt mạnh trong sáng nay 26/5, một ngày sau khi có ý kiến ở Quốc hội về việc ai hưởng lợi khi nhà nước độc quyền cho doanh nghiệp khai thác, kinh doanh vàng.
Biểu đồ giá vàng SJC trượt mạnh đầu phiên giao dịch sáng nay; điều tương tự cũng xảy ra với DOJI. Mở phiên giao dịch sáng nay, SJC quay đầu giảm hơn một triệu đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch chiều qua, ở mức 68,8 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến 10h sáng cùng ngày, giá vàng SJC lại tăng lên mức 69,2 triệu đồng/lượng.
Một số phân tích như trên Tuổi Trẻ, cho rằng giá vàng sập mạnh (nhất thời) sau thông tin đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ, có giải pháp ổn định thị trường vàng.
Trước đó, ở nghị trường sáng 25/5, ông Đào Hồng Vận – đại biểu ở Hưng Yên, đặt câu hỏi giá vàng trong nước cao hơn thế giới 20 triệu đồng/lượng thì ai hưởng lợi?
“Chênh lệch cao như vậy thì ai là người hưởng lợi? Cơ chế quản lý của chúng ta như thế nào? Tôi biết vàng được nhà nước đang độc quyền, cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh. Tuy nhiên, có hay không việc doanh nghiệp thao túng đẩy giá vàng, trong bối cảnh người dân vì dịch bệnh muốn tích trữ”, ông Vận nói.
Dẫn số liệu ước tính số vàng trong dân có thể lên tới 500 tấn, ông Vận cho rằng, nếu chỉ để tích trữ, không đưa vào sản xuất rất lãng phí.
Thực tế, việc độc quyền vàng miếng của SJC đã gặp sự phản đối từ giới doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Trên thị trường hiện chỉ có duy nhất vàng miếng SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia do NHNN độc quyền sản xuất. Hồi tháng 4/2021, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội, NHNN bỏ quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền mà nên cấp phép cho một số công ty đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, kết quả giải đáp kiến nghị không được như VGTA mong muốn.