0054-ins-kulish-p63-is-underway-with-us-and-indian-navy-ships-during-exercise-malabar-2012
Tàu hộ tống tên lửa dẫn đường INS Kulish (P63) của hải quân Ấn Độ đang tiến hành cùng với các tàu hải quân của Hoa Kỳ trong Cuộc tập trận Malabar 2012 (ảnh: Hải quân Hoa Kỳ).

Hãng thông tấn ANI của Ấn Độ trích dẫn nguồn tin từ chính phủ cho biết: “Không lâu sau khi xảy ra vụ đụng độ ở Galwan khiến 20 binh sỹ của chúng tôi thiệt mạng, hải quân Ấn Độ đã triển khai một trong số các tàu chiến hàng đầu tới Biển Đông, nơi mà hải quân Trung Quốc phản đối sự hiện diện của các lực lượng nước khác trong khi áp đặt yêu sách chủ quyền đối với phần lớn vùng biển”.

Hải quân Hoa Kỳ cũng đang triển khai các tàu sân bay và tàu chiến tại các vùng biển quanh Biển Đông nhằm răn đe tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực. Hôm 13/7, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chính thức bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nguồn tin nói với ANI rằng, khi hoạt động trên Biển Đông, tàu chiến Ấn Độ đã liên tiếp trao đổi thông tin với “các đối tác Mỹ” thông qua các hệ thống liên lạc bảo mật.

Nguồn tin nói rằng các hoạt động của tàu chiến Ấn Độ ở Biển Đông đã được giữ bí mật nhằm tránh thu hút sự chú ý của dư luận, sau vụ xung đột biên giới vốn đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình và tẩy chay Trung Quốc tại Ấn Độ.

Cùng lúc với cuộc điều động chiến hạm tới Biển Đông, Ấn Độ cũng triển khai một nhóm tàu chiến khác tới eo biển Malacca nhằm theo dõi hoạt động của hải quân Trung Quốc.

Nguồn tin cho biết, hải quân Ấn Độ cũng có kế hoạch khẩn trương mua và triển khai các tàu tự hành dưới nước cùng các hệ thống cảm biến không người lái khác để theo dõi chặt chẽ sự di chuyển của quân đội Trung Quốc từ eo biển Malacca tới khu vực Ấn Độ Dương.