Site icon MUC News

Bạn vừa đăng gì trên Facebook? Meta đã “thu thập nuôi AI” rồi đấy

Dữ liệu của bạn, quyền riêng tư của ai? Meta mở cánh cửa cho AI “ăn” mọi bài viết! (Ảnh: Mucnews)

 CHÂU ÂU – Trong khi nhiều người vẫn nghĩ rằng mạng xã hội là nơi chia sẻ suy nghĩ cá nhân, thì thực tế, những dòng trạng thái và bình luận công khai ấy lại đang trở thành “nguyên liệu” cho cỗ máy trí tuệ nhân tạo của Meta.

Dữ liệu công khai có thực sự là “của chung”?

Ngày 14/4, Meta – tập đoàn sở hữu Facebook, Instagram và Threads – chính thức tuyên bố sẽ sử dụng các bài đăng công khai của người dùng tại châu Âu để đào tạo hệ thống AI của họ. Quy định này áp dụng cho mọi nội dung do người trưởng thành tạo ra, từ status, bình luận cho tới các đoạn hội thoại với Meta AI, trừ khi người dùng chủ động phản đối thông qua biểu mẫu được gửi qua email hoặc ứng dụng.

 Theo Meta, đây là bước đi nhằm giúp AI hiểu sâu hơn về văn hóa, ngôn ngữ và sự đa dạng của người châu Âu, từ đó mang lại trải nghiệm cá nhân hóa và hiệu quả hơn cho người dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đang được đặt ra: liệu sự tiến bộ của AI có đang được xây dựng trên nền tảng của quyền riêng tư bị xói mòn?

Khi quyền riêng tư gặp tham vọng công nghệ

Trên lý thuyết, Meta tuyên bố “minh bạch hơn các đối thủ”, nhưng trong thực tế, sự minh bạch ấy lại đặt người dùng vào thế đã rồi: nếu không phản đối, dữ liệu của bạn mặc nhiên trở thành tài sản huấn luyện AI.

Một so sánh đáng lưu ý: nếu trước đây, người dùng là trung tâm, thì giờ đây, dữ liệu của người dùng mới là thứ được săn đón. Như cách Gizmodo nhận xét đầy chua chát: “Họ cần nội dung của bạn, không cần bạn”.

Tình trạng này không chỉ diễn ra tại châu Âu. Trên quy mô toàn cầu, Meta đã âm thầm thu thập bài đăng công khai từ tận năm 2007 để phục vụ các mô hình AI. Việc tại châu Âu bị trì hoãn chỉ vì các rào cản pháp lý – chứ không phải vì cam kết đạo đức.

Trên quy mô toàn cầu, Meta đã âm thầm thu thập bài đăng công khai từ tận năm 2007 để phục vụ các mô hình AI. (Ảnh: Mucnews)

Một thế giới không còn “tự do chia sẻ”?

Trong khi Meta tuyên bố hành động này là “phục vụ cộng đồng tốt hơn”, thì giới chuyên gia lại cảnh báo về xu hướng các Big Tech “đói dữ liệu”. Khi AI cần ngày càng nhiều nội dung để duy trì và nâng cấp năng lực, thì người dùng – vốn tưởng là người sử dụng công nghệ – lại trở thành nguồn tài nguyên bị khai thác.

Jack Dorsey – nhà sáng lập Twitter – thậm chí còn gây tranh cãi khi kêu gọi “xóa bỏ mọi luật về sở hữu trí tuệ”, với sự đồng tình công khai từ Elon Musk. Một thế giới nơi các dữ liệu riêng tư, tài sản sáng tạo, thậm chí cảm xúc số hóa bị “hòa tan” vào cỗ máy AI đang dần thành hiện thực.

Đằng sau sự tiến bộ: Một lựa chọn bị buộc phải chấp nhận?

Meta có thể cho người dùng quyền “từ chối”, nhưng bao nhiêu người sẽ thực sự hiểu, quan tâm, và đủ tỉnh táo để làm điều đó? Một thế giới số nơi quyền riêng tư phải được “phản đối mới có”, liệu có còn là môi trường công bằng?

Giữa tương lai công nghệ và quyền con người, ranh giới nào là không thể vượt qua?

Theo: Theverge