Theo báo Thanh Niên, trước đó, vào ngày 1/10, bệnh nhi L.Q.P. (quê Thanh Hóa, tạm trú Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng đau bụng, kèm theo sốt, bỏ ăn. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé có dấu hiệu viêm ruột nên cho siêu âm thì phát hiện có dị vật đâm thủng ruột.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã mổ nội soi, lấy ra một đoạn xương cá dài 1,5 cm đâm thủng vào thành ruột, hiện tại sức khỏe bệnh nhi đã hồi phục.
Mẹ của bệnh nhi cho biết, trước khi bé có biểu hiện bất thường bà đã cho con ăn cháo cá thu. Trong lúc ăn, bé xem tivi, có thể đã vô tình nuốt đoạn xương vào bụng.
Trước đó, cũng có nhiều trường hợp trẻ bị hóc xương cá, và dị vật dẫn đến tình trạng trẻ nguy kịch. Theo báo Zing, ngày 16/7 một bé trai (5 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị nhiễm trùng ruột thừa do nuốt phải chiếc xương cá.
Tháng 4/2018, một bệnh nhân 13 tuổi ở TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương, nhập viện do hóc xương gà khi vừa ăn vừa xem tivi (ảnh chụp màn hình báo Vietnamnet). |
Trước thực trạng trên, ThS.BS Nguyễn Văn Nhôm, Phó khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Quốc tế City TP.HCM, khi trẻ bị hóc xương các phụ huynh cần bình tĩnh và xử lý kịp thời theo các bước sau:
– Bước 1: Ngừng cho bé ăn rồi nhẹ nhàng trấn an tinh thần bé. Trẻ nhỏ hóc xương thường quấy khóc, cần dỗ bé nín để tránh xương cá không bị kẹt sâu hơn.
– Bước 2: Yêu cầu bé há miệng và dùng đèn pin soi để kiểm tra cổ họng của bé. Nếu phát hiện xương mắc ở cổ họng bạn cần bình tĩnh dùng kẹp y tế để gắp xương ra. Trong quá trình xử lý, cha mẹ cần nhẹ nhàng, trấn an tinh thần để bé không ngọ nguậy có thể gây tổn thương vùng họng.
– Bước 3: Cho trẻ uống nước vài lần, nếu bé uống không có dấu hiệu đau đớn nghĩa là đã hết hóc xương. Những trẻ lớn hơn sau khi cho uống nước bạn có thể hỏi bé có còn đau không.
– Bước 4: Trong trường hợp nếu không phát hiện thấy xương cá nằm ở cổ họng mà bé vẫn có biểu hiện đau đớn, la khóc, gia đình nên đưa bé đến bệnh viện để các bác sĩ xử lý kịp thời, vì có thể xương đã đi sâu xuống thực quản bạn không thể nhìn thấy được.