Bắc Kinh vừa nhắc lại yêu sách hàng hải phi pháp ở Biển Đông; đồng thời yêu cầu “các bên liên quan” tôn trọng cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc” trong khu vực.
Theo CNN, ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 27/4 tuyên bố: “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa, bao gồm đảo Thị Tứ; và quần đảo Trung Sa, bao gồm cả đảo Hoàng Nham và các vùng biển lân cận của nó; đồng thời thực thi quyền tài phán ở các vùng biển liên quan”.
Quần đảo Nam Sa mà Trung Quốc nói tới chính là quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Quần đảo Trung Sa là cách Trung Quốc gọi khu vực bao gồm bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham). Khu vực này nằm ở phía đông nam quần đảo Hoàng Sa.
Ông Uông nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan tôn trọng chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích của Trung Quốc”.
Phát ngôn viên Trung Quốc đưa ra tuyên bố này sau khi Philippines tăng cường các cuộc tuần tra ở Biển Đông. Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia, Brunei là các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Ông Uông cũng nói rằng Philippines nên “chấm dứt các hành động làm phức tạp tình hình và leo thang tranh chấp”.
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) hôm Chủ nhật (25/4) thông báo rằng họ đã tiến hành các cuộc tập trận kể từ tuần trước nhằm đảm bảo “quyền tài phán trên biển của chúng tôi”.
Bài học từ vụ tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough
Bãi cạn Scarborough từng thuộc kiểm soát của Philippines, dù Trung Quốc và Đài Loan cũng nhận chủ quyền với khu vực này. Năm 2012, Trung Quốc cho hàng loạt tàu cá tập trung ở bãi cạn Scarborough. Tình hình leo thang căng thẳng, Philippines và Trung Quốc nhất trí rút khỏi bãi cạn. Các tàu Philippines làm theo thỏa thuận; nhưng các tàu Trung Quốc vẫn ở chiếm đóng bãi cạn cho đến ngày nay.
Giới quan sát cho rằng vụ Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines có một phần lỗi của chính quyền Mỹ Barack Obama và cấp phó Joe Biden. Vụ việc này chính là “tiền lệ cho việc Chủ tịch (Trung Quốc) Tập Cận Bình tiến hành xây dựng các cơ sở quân sự trên khắp Biển Đông”, theo Bloomberg.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra sự tương đồng giữa vụ Scarborough năm 2012 và việc hàng trăm tàu Trung Quốc xuất hiện ở Đá Ba Đầu của Việt Nam trong những tuần gần đây. Khu vực này có nguy cơ mất trắng vào tay Trung Quốc cũng bằng chiêu trò tương tự vụ Scarborough, theo nhận định của một số nhà quan sát.