Đá Ba Đầu là một bãi đá ngầm tại Biển Đông, thuộc cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bãi đá này cũng là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc, Philippines và Đài Loan.

Giới quan sát cảnh báo Đá Ba Đầu khả năng sẽ bị Trung Quốc xâm chiếm hoàn toàn.

Hàng trăm tàu Trung Quốc neo đậu ở Đá Ba Đầu

Philippines hôm thứ Ba (13/4) cho biết họ đã triệu tập đặc phái viên hàng đầu của Bắc Kinh tại Manila; để gây sức ép yêu cầu các tàu Trung Quốc lập tức rời khỏi Đá Ba Đầu. Manila mô tả hành vi leo thang của Trung Quốc là “nguồn gốc của căng thẳng khu vực”.

Căng thẳng gia tăng kể từ khi Trung Quốc đưa hơn 200 tàu neo đậu quanh Đá Ba Đầu vào tháng 3. Bắc Kinh lấy cớ là các tàu này vào đó để tránh biển động. Tuy nhiên, không có thông báo về tình hình thời tiết xấu.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng khẳng định sự hiện diện của các tàu Trung Quốc là hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, các tàu Trung Quốc mãi không rời đi.

Bộ Ngoại giao Philippines hôm 13/4 cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Elizabeth Buensuceso đã bày tỏ sự bất bình của Manila tới Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên.

Nguy cơ mất Đá Ba Đầu

Theo SCMP: “Các nhà phân tích cảnh báo rằng, bất chấp sự phản đối của Manila, họ có thể sẽ mất quyền kiểm soát một khu vực lãnh thổ khác ở Biển Đông vào tay Bắc Kinh”.

Ông Collin Koh, thành viên nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho biết Trung Quốc có thể đang cố gắng “tạo ra một ‘sự đã rồi’ để đẩy nạn nhân – trong trường hợp này là Philippines – hướng tới một số hành động hạn chế”.

Ông Koh lưu ý rằng Manila đang ở trong một tình thế khó khăn. Một mặt, nếu Manila không phản ứng trước sự lấn chiếm của Bắc Kinh; thì “theo quan điểm của Bắc Kinh, về cơ bản là họ giành được chiến thắng”.

Ngược lại, ông cho rằng nếu Manila phản ứng mạnh mẽ, thì tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.

Trung Quốc từng chiếm Đá Vành Khăn bằng trò tương tự

Ông Koh nhớ lại vụ việc tương tự xảy ra với Đá Vành Khăn, một thực thể khác mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền. Trước kia, Đá Vành Khăn là do Philippines kiểm soát; nhưng nước này đã để mất bãi đá vào tay Trung Quốc vào năm 1995.

Ông Koh nói về chiêu trò của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn: “Đầu tiên, chúng ta chỉ thấy một số rất ít tàu Trung Quốc di chuyển quanh khu vực; dần dần tăng lên một chút; sau đó Trung Quốc củng cố sự hiện diện của họ”.

“Sau đó, chúng ta thấy những công trình kiến ​​trúc bằng gỗ được xây dựng;… và dần trở thành những công trình bê tông; ngày nay điều chúng ta thấy là một hòn đảo nhân tạo hoàn chỉnh với đường băng máy bay, hải cảng; sau đó chúng ta thấy máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh xuống Đá Vành Khăn.”

Ông Koh cho biết năm nay đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ); các hành động tại bãi đá ngầm Đá Ba Đầu có thể được coi là một cách để “Chủ tịch Tập Cận Bình và ĐCSTQ cố gắng nâng tầm bản thân”.

Ông Koh nói: “Vào năm 2012 khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông ấy đã nhấn mạnh lại, rằng không giống như người tiền nhiệm của mình, ông ấy rất chú trọng đến việc duy trì chủ quyền và quyền lợi trên biển của Trung Quốc”.

Trung Quốc là một ‘kẻ bắt nạt’ trong khu vực

Đầu tháng 4, quân đội Philippines đã mời các phóng viên Manila tham gia “tuần tra chủ quyền” trên không đối với vùng nhận dạng phòng không của nước này. Các nhà báo sau đó đã viết các bài báo; nói rằng khi máy bay của họ đến gần một số đảo nhất định, họ nhận được cảnh báo vô tuyến từ các tiền đồn trên đảo do Trung Quốc kiểm soát. Phía Trung Quốc yêu cầu họ “tránh xa” và “rời đi ngay lập tức”.

Vào ngày 8/4, một phóng viên Philippines, Chiara Zambrano của hãng ABS-CBN, đã tham gia cùng một tàu dân sự đi đến Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa). Trước khi đến được rạn san hô này, chiếc tàu Philippines bị ngăn chặn bởi một tàu tuần duyên Trung Quốc.

Sau đó, xảy ra một cuộc rượt đuổi của tàu hải cảnh Trung Quốc đối với tàu phóng viên Philippines. Kế đến, hai tàu quân sự mang tên lửa của Trung Quốc tiếp tục cuộc truy đuổi. Điều đáng chú ý hơn nữa là cuộc truy đuổi diễn ra ngay trong lãnh hải Philippines. Cho đến khi chiếc tàu gần trở về lục địa tỉnh Palawan của Philippines; thì tàu chiến Trung Quốc mới quay đi.

Thượng nghị sĩ Philippines Risa Hontiveros hôm 13/4 nói rằng Trung Quốc đang trở thành “kẻ bắt nạt trong khu vực”.

Bà cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng đại dịch Covid-19 để “thực hiện một loạt các cuộc xâm nhập có phối hợp” tại Biển Đông.

“Điều đó chỉ cho thấy Trung Quốc sẽ làm những gì họ muốn, vì lợi ích ích kỷ của riêng họ; ngay cả khi điều đó đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực”, bà Hontiveros nói.