Báo Philstar của Philippines hôm nay (16/9) đưa tin, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales đã đệ trình một đơn kiện tới công tố viên Fatou Bensouda của ICC, thay mặt cho các ngư dân bị giới chức Trung Quốc “đàn áp và bức hại” ở Biển Đông.

Hai ông Del Rosario và Morales nhấn mạnh rằng các hoạt động của Bắc Kinh trên các tuyến đường biển tranh chấp đang làm suy yếu an ninh lương thực và năng lượng của các quốc gia ven biển Biển Đông, trong đó có Philippines.

Trong khi đó hãng tin CNN trú tại Philippines cho biết, cựu Bộ trưởng Rosario thông báo rằng ông Carpio, một chuyên gia về luật biển, sẽ làm luật sư trong vụ kiện ông Tập về “tội ác chống lại loài người vì những động thái phi pháp của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp”.

3730-43580686192-ab21dff3e7-b
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: GCIS/Flickr).

Hai cựu quan chức Philippines cho rằng vụ việc này thuộc thẩm quyền xét xử của ICC vì Quy chế Rome quy định rằng “những tội phạm nghiêm trọng nhất gây quan ngại toàn thể cộng đồng quốc tế không thể bị bỏ qua mà không bị trừng phạt, phải đảm bảo truy tố hiệu quả những tội ác đó”.

CNN trích lời ông Rosario: “Các quan chức Trung Quốc liên tục phong tỏa một cách thù địch các khu vực biển quanh bãi cạn Scarborough, ngăn cản ngư dân Philippines kiếm kế sinh nhai”.

Ông cho biết những ngư dân đảo Luzon dựa vào đánh bắt cá để sinh tồn. Ông nói: “Ảnh hưởng từ những hành động tội ác này của Trung Quốc kéo dài đến tận bờ biển Luzon của Philippines”.

Cựu Bộ trưởng Rosario nói thêm: “Họ đã lên kế hoạch và thực hiện các hành vi đó, họ liên tục thực hiện tội ác của họ chống lại người dân Philippines và tất cả những cư dân sống ven Biển Đông”.

Nếu được ICC chấp nhận đơn kiện, ông Rosario cảnh báo tòa án có thể sẽ đưa ra lệnh bắt ông Tập Cận Bình và Bộ trưởng Ngoại Trung Quốc Vương Nghị, khiến 2 người này không dám đến các quốc gia tham gia ICC như Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.

Chính phủ Philippines từng nộp đơn kiện yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông tại Tòa trọng tài thường trực ở La Hay, Hà Lan vào năm 2013. Tòa án đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh vào năm 2016.