Hàng nghìn tàu cá Trung Quốc đang khai thác quá mức ở Biển Đông, khiến nguồn hải sản dồi dào tại khu vực này đứng trước nguy cơ cạn kiệt, theo nhận định của một nhà phân tích người Mỹ, ông Kent Harrington.
Từng là chuyên viên phân tích cấp cao của CIA, sĩ quan tình báo quốc gia khu vực Đông Á, và giám đốc phụ trách các vấn đề công cộng của CIA, ông Harrington đưa ra bình luận trên trang CNA hôm 5/2.
Tóm tắt nội dung
Hàng nghìn tàu cá Trung Quốc khai thác quá mức ở Biển Đông
Biển Đông chỉ chiếm 2,5% diện tích bề mặt đại dương của hành tinh, nhưng cung cấp 12% sản lượng hải sản được đánh bắt trên thế giới. Một nửa trong số 3,2 triệu tàu đánh cá có đăng ký trên thế giới là hoạt động ở Biển Đông.
Ông Harrington nhận định “đánh bắt quá mức đang là một vấn đề toàn cầu ngày càng gia tăng” mà Trung Quốc đã góp phần gây ra với khoảng 2.500 tàu chính thức. Nếu tính cả các tàu không đăng ký và bất hợp pháp, thì số tàu của Trung Quốc có thể tăng lên 17.000 chiếc.
Trong cuốn sách “Dispatches from the South China Sea: Navigating to Common Ground” (tạm dịch: Thông điệp từ Biển Đông: Điều hướng tới điểm chung) của nhà nghiên cứu James Borton thuộc Viện Chính sách Đối ngoại Johns Hopkins, có các thông tin từ ngư dân, quan chức chính phủ và giới nghiên cứu cho thấy các nguồn tài nguyên quan trọng của Biển Đông đang bị suy thoái nghiêm trọng.
Khoảng 2.500 loài cá sống ở Biển Đông; nhưng kể từ năm 2000, tỷ lệ đánh bắt đã giảm 70% và trữ lượng cá lớn bị thu hẹp 90%.
Thiệt hại sinh thái vì các đảo nhân tạo
Biển Đông từng là nơi có một phần ba rạn san hô trên thế giới, nhưng theo nhà nghiên cứu Borton, khoảng một nửa số san hô này đã biến mất.
Trong phán quyết năm 2016, Tòa Trọng tài thường trực cho biết Trung Quốc đã đẩy nhanh sự tàn phá hệ sinh thái ở Biển Đông bằng cách nạo vét hơn 100 dặm vuông các rạn san hô khỏe mạnh để tạo ra các đảo nhân tạo.
Ông Borton cho rằng nếu không giải quyết được cuộc khủng hoảng Biển Đông, thì đó sẽ là một điềm báo của thảm họa sinh thái.
Ông cho biết: “Yêu sách bành trướng của Trung Quốc về chủ quyền ngoài khơi không chỉ thách thức quyền lãnh thổ của nước khác và quyền tự do đi lại trên các tuyến đường biển quốc tế. Nó còn đang đe dọa một đặc điểm trung tâm của hệ sinh thái Đông Nam Á, và do đó đe dọa đến tương lai kinh tế của khu vực”.
Trung Quốc “vừa ăn cướp, vừa la làng”
Năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh không chấp nhận tuân theo phán quyết này.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đơn phương tuyên bố lệnh cấm ngư dân các nước đánh bắt ở Biển Đông, như thể là để bảo vệ nguồn cá. Vào năm 2021, Trung Quốc thông qua luật mới trao quyền cho lực lượng bảo vệ bờ biển nước này có thể nổ súng vào ngư dân các nước bị cáo buộc vi phạm.
Các động thái của Bắc Kinh tỏ ra là nhằm bảo vệ nguồn cá; nhưng thực chất, hàng ngàn tàu cá Trung Quốc vẫn đánh bắt cạn kiệt ở Biển Đông. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 20% sản lượng đánh bắt hàng năm của thế giới.
Nhà phân tích Harrington đồng ý với quan điểm của học giả Borton rằng người dân và các nhà khoa học phải hợp tác để tìm cách thu hẹp chia rẽ chính trị ở Biển Đông. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể đóng vai trò tốt hơn các chính phủ khi thực hiện những việc mà nhà nghiên cứu Borton đề xuất.
Theo ông Harrington, các công ty đang tạo ra những công cụ mới để phơi bày tình hình khai thác quá mức ở Biển Đông. Dù vậy, không có gì đảm bảo rằng các công ty này dám dùng công cụ đó để chống lại tham vọng của Trung Quốc.