Các quốc gia châu Âu đang gia tăng điều động tàu chiến đến khu vực Biển Đông. Động thái này xuất hiện khi phương Tây ngày càng nghi ngờ về động cơ của Trung Quốc trong việc xây dựng lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, theo News.com.au.

Trung Quốc muốn xây dựng hạm đội vô địch thế giới

Tại đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định lại mong muốn xây dựng một hạm đội đánh bại thế giới.

“Tình hình an ninh hiện tại của đất nước ta phần lớn là không ổn định và không chắc chắn,” ông Tập nói với các đại biểu. “Nhiệm vụ xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh chưa bao giờ cấp bách như hiện nay”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hoàng tuyên bố Trung Quốc đã “bước vào giai đoạn rủi ro cao”.

Trung Quốc cảnh giác với các động thái của châu Âu về Biển Đông

Theo News, những lời tuyên bố nêu trên có thể là một cách phản ứng đối với việc châu Âu gia tăng sự chú ý đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Các nước châu Âu gần đây đã tăng cường sự hiện diện của họ trong vấn đề Biển Đông“, tờ China Military, ấn phẩm của Quân đội Trung Quốc thừa nhận.

Tờ báo trích lời Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc Cui Hongjian nói: “Họ muốn tạo ảnh hưởng đối với Trung Quốc không chỉ thông qua các phương tiện kinh tế và ngoại giao; mà còn bằng một thứ gì đó ‘có thể nhìn thấy được’, chẳng hạn như tàu chiến; để nhắc nhở Bắc Kinh rằng ‘chúng tôi có thể gay ra ảnh hưởng an ninh đối với các vị'”.

Trung Quốc hung hăng, Mỹ và đồng minh châu Âu không thể làm ngơ

Nói về các hoạt động của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin hôm 15/3 cho biết: “Họ đã rất hung hăng trong khu vực”.

Ông nói thêm: “Trong một số trường hợp, họ đã tỏ ra cưỡng chế. Một phần sự cưỡng chế đó là nhắm vào các đồng minh của chúng ta. Mà các đồng minh của chúng ta rất quan trọng đối với chúng ta”.

Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Hải quân Mỹ cũng tiến hành nhiều hoạt động tự do hàng hải trong khu vực nhằm thách thức yêu sách của Trung Quốc. Động thái này đã thu hút các hoạt động tương tự từ các nước đồng minh.

Nhà bình luận an ninh quốc tế Nhật Bản Hiroyuki Akita cho biết: “Việc Anh, Pháp và Đức điều tàu chiến đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể gây phản ứng dữ dội từ Trung Quốc và tạo ra căng thẳng mới. Nhưng tác động tích cực của nó là ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Mặt tích cực ở đây được cho là lớn hơn mặt tiêu cực”.

Tiến sĩ Nicolas Regaud thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược của Pháp nói với tờ Nikkei: “Nếu Trung Quốc có hành động quân sự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương liên quan đến Mỹ, chẳng hạn như ở eo biển Đài Loan; thì châu Âu sẽ khó có thể chỉ đứng nhìn và không làm gì cả”.

Ông nói tiếp: “Làm như vậy, họ sẽ chấp nhận trả giá, vì Trung Quốc sẽ trả đũa bằng vũ khí hóa thương mại, tài chính, không gian mạng, v.v.”.

Hải quân Pháp vừa có chuyến thăm 4 ngày tới Việt Nam. Cộng hòa Pháp dự kiến sẽ đưa tàu chiến trở lại Biển Đông vào tháng 5 để tham gia diễn tập cùng nhóm Tứ giác Kim cương (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn).