Theo Straits Times, ông Li Nan, một nhà nghiên cứu thỉnh giảng của Trung Quốc tại Viện Đông Á (EAI) thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng Trung Quốc có thể từ bỏ đường 9 đoạn ở Biển Đông mà không làm tổn hại đến lợi ích lâu dài của nước này.
“Đây là thời điểm để Trung Quốc từ bỏ đường chín đoạn”, ông Li phát biểu hôm 18/9 tại một hội thảo qua mạng được tổ chức bởi EAI và Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, có chủ đề “Tranh chấp Biển Đông: Sự đối đầu giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc, Luật pháp và Triển vọng cho một Bộ Quy tắc Ứng xử”.
Tiến sĩ Li Nan nói rằng lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã thực thi quyền tài phán của mình theo đường 9 đoạn và “điều đó đã gây ra tất cả các vấn đề với các quốc gia ven biển”.
Ông ta nói thêm rằng việc từ bỏ đường 9 đoạn sẽ đem lại lợi ích của Trung Quốc, trong đó có việc thúc đẩy quyền lực mềm của nước này.
Straits Times cho biết, ông Li Nan nói trước đây Trung Quốc từng nhượng bộ một phần của đường 9 đoạn vào đầu những năm 1950, cụ thể là xóa bỏ 2 đoạn như một cử chỉ thân thiện đối với “những người đồng chí cộng sản của họ ở miền Bắc Việt Nam”.
Nhưng ông Li nói rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các tổ chức như Quân Giải phóng Nhân dân nếu họ nhượng bộ tương tự một lần nữa.
Theo Straits Times, ý kiến của ông Li Nan đã thu hút sự chỉ trích từ Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, một thành viên tại Viện ISEAS – Yusof Ishak.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp (ảnh: https://lehonghiep.net/). |
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nói: “Trung Quốc đã xóa hai đoạn, nhưng vào năm 2010, họ lại thêm một đoạn khác trên Biển Hoa Đông. Vì vậy, tôi không chắc liệu Trung Quốc có thực sự nhượng bộ về đường 9 đoạn hay không”.
Tiến sỹ Hiệp nói thêm: “Nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với Tiến sĩ Li rằng đó sẽ là một ý tưởng tuyệt vời và tốt cho sức mạnh mềm của Trung Quốc nếu nước này từ bỏ hoàn toàn đường 9 đoạn”.
Năm 2016, một tòa án quốc tế tại La Hay, Hà Lan đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng 7/2020, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, kéo theo các động thái tương tự từ các nước đồng minh.
Cũng trong cuộc hội thảo hôm 18/9, các diễn giả đồng thuận rằng ASEAN và Trung Quốc không có khả năng ban hành bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông đúng thời hạn vào cuối năm tới, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra.
Straits Times chỉ ra rằng: “Các cuộc xung đột giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền như Philippines và Việt Nam trong vùng biển tranh chấp này đã gia tăng trong năm nay”.
Tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu tuần duyên Việt Nam ở Biển Đông (ảnh chụp màn hình video được công bố trên Youtube năm 2011). |
Căng thẳng cũng đang leo thang giữa Trung Quốc và Indonesia. Quốc gia Đông Nam Á này đã đệ đơn phản đối Bắc Kinh vào đầu tháng 9, sau khi một tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện hai ngày trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, ở ngoài khơi quần đảo Natuna trong Biển Đông.