Người biểu tình tập hợp trước sứ quán Trung Quốc, lên án Bắc Kinh ‘‘can thiệp vào công việc nội bộ’’ của Myanmar hậu thuẫn một số sắc tộc thiểu số nổi dậy.

Theo RFI, biểu tình nổ ra hôm Chủ nhật ngày 19/11 tại Rangoon, thủ phủ văn hóa của Myanmar (Miến Điện). Theo mạng truyền thông độc lập Miến Điện Irrawady, đây là ‘‘lần đầu tiên’’ có một cuộc biểu tình lên án Trung Quốc, được giới tướng lĩnh quân sự ‘‘bật đèn xanh’’.

Tham gia vào cuộc biểu tình có các thành viên của đảng Liên minh các Sư tăng Yêu nước (Patriotic Monks Union) ở Rangoon, và Tổ chức Dân tộc chủ nghĩa Miến Điện (Myanmar Nationalist Organization), hai tổ chức thân tập đoàn quân sự. 

Irrawady, nhà sư dân tộc chủ nghĩa Pyinya Wuntha, thuộc Liên minh các Sư tăng Yêu nước, khẳng định là người dân Miến Điện biết Trung Quốc đang trang bị vũ khí cho nhiều lực lượng nổi dậy thuộc các sắc tộc thiểu số và PDF, tức lực lượng vũ trang ủng hộ chính phủ dân sự bị lật đổ.

Những người biểu tình đe dọa sẽ ‘‘trả thù’’, nếu Trung Quốc tiếp tục khuyến khích các lực lượng nổi dậy ‘‘hủy hoại Miến Điện’’. Nhóm biểu tình cũng tố cáo Trung Quốc mua kim loại hiếm từ các lực lượng nổi dậy miền bắc Miến Điện, ‘‘với giá rất rẻ mạt’’. Trước đó, lãnh đạo tập đoàn quân sự, tướng Min Aung Hlaing, trong một phiên họp khẩn hôm 08/11, đã tố cáo liên minh nổi dậy đã sử dụng drone quân sự mua của Trung Quốc để tấn công quân đội Miến Điện.

Theo Irrawady, những người thuộc phe dân tộc chủ nghĩa đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình ủng hộ quân đội trước và sau cuộc đảo chính năm 2021, nhưng tập đoàn quân sự chưa từng cho phép biểu tình gần sứ quán Trung Quốc. Lần gần nhất có các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gần sứ quán là vào tháng 2/2021, để lên án Trung Quốc ‘‘không lên án đảo chính’’.

Một người giấu tên có mối quan hệ thân cận với Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) – lực lượng nổi dậy đối lập với chính phủ quân quản cầm quyền, đã nói với tờ The Epoch Times rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đứng sau cuộc tấn công của MNDAA ở miền Bắc Myanmar và mục tiêu của ĐCSTQ là giành lại sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với Myanmar.

Hồi đầu tháng Mười, ĐCSTQ đã cử các kỹ sư đến Myanmar để khảo sát tuyến đường sắt dự kiến thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhằm tìm cách thúc đẩy tiến độ xây dựng. Tiến độ của dự án vẫn chưa làm ĐCSTQ hài lòng, và họ đang tìm cách tăng cường sức ảnh hưởng đối với Myanmar.