Hai thẩm phán liên bang tại New Hampshire và Maryland vừa ra phán quyết ngăn chặn Bộ Giáo dục Mỹ thực hiện kế hoạch đình chỉ tài trợ đối với các trường triển khai chương trình đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI).

Phán quyết chống lại chỉ thị gây tranh cãi

Ngày 24/4, hai thẩm phán liên bang tại New Hampshire và Maryland đã ban hành phán quyết ngăn chặn Bộ Giáo dục Mỹ thực hiện kế hoạch đình chỉ tài trợ đối với các trường đại học công lập có triển khai các chương trình về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI).

Tại New Hampshire, thẩm phán Landya McCafferty cho biết, văn bản do Bộ Giáo dục Mỹ gửi đến các cơ sở giáo dục có nội dung yêu cầu dừng các hoạt động liên quan đến DEI và đe dọa cắt ngân sách liên bang, đã vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ – vốn bảo vệ quyền tự do ngôn luận của các nhà giáo dục.

Theo bà McCafferty, văn bản của Bộ Giáo dục thể hiện quan điểm cho rằng các chương trình DEI vi phạm Điều VI của Đạo luật Dân quyền năm 1964. Tuy nhiên, văn bản này không cung cấp định nghĩa rõ ràng về khái niệm “DEI”, khiến việc xác định chương trình nào bị xem là vi phạm trở nên mơ hồ. “DEI là một khái niệm rộng và có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, tùy vào cách mô tả các giá trị về đa dạng, công bằng và hòa nhập”, thẩm phán nhận định.

Thêm một thẩm phán ra phán quyết tương tự

Cùng ngày, thẩm phán liên bang Stephanie Gallagher tại bang Maryland cũng đưa ra quyết định tương tự, đáp ứng đơn kiện của Liên đoàn Giáo viên Mỹ, Hiệp hội Xã hội học Mỹ cùng một số tổ chức khác. Bà Gallagher, người được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, chỉ rõ rằng Bộ Giáo dục đã không tuân thủ đúng quy trình pháp lý và cũng không có thẩm quyền để ban hành chỉ thị theo quy định của Đạo luật Tổ chức Bộ Giáo dục năm 1979.

Luật năm 1979 quy định rõ Bộ Giáo dục Mỹ không được can thiệp vào nội dung giảng dạy, quản lý nhân sự, chương trình đào tạo hay tài liệu giảng dạy của các trường học trên cả nước.

Văn bản gây tranh cãi của Bộ Giáo dục

Trước đó, trong bức thư đề ngày 14/2, Bộ Giáo dục Mỹ đã cáo buộc nhiều trường đại học đang “tẩy não độc hại” sinh viên thông qua việc giảng dạy về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống và “hành vi phân biệt chủng tộc lan rộng”. Văn bản này cũng chỉ trích các chương trình DEI là hành vi “lách luật” để hợp thức hóa những nội dung bị cho là gây chia rẽ trong xã hội.

Bộ này cảnh báo sẽ có các biện pháp xử lý nếu các trường không tuân thủ đúng quy định liên bang, đồng thời nhấn mạnh rằng các cơ sở nhận tài trợ phải tuân thủ đầy đủ luật pháp hiện hành.

Phản ứng từ Nhà Trắng và Bộ Giáo dục

Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà Trắng và Bộ Giáo dục Mỹ chưa đưa ra bình luận chính thức về hai phán quyết nói trên. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng đây là động thái pháp lý đáng chú ý, có thể tạo tiền lệ trong việc xác định giới hạn can thiệp của chính quyền liên bang vào chính sách giáo dục tại các bang.

Theo Reuters, AP