Cho phép Nga chia cắt Ukraine sẽ gửi “thông điệp sai lầm” cho Trung Quốc về Đài Loan, theo nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi trên tờ The Washington Post.
Tóm tắt nội dung
Phản ứng của thế giới sẽ ngăn Trung Quốc bành trướng
Ông Nobuo Kishi cho rằng phản ứng mạnh mẽ của quốc tế đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga là rất quan trọng để ngăn chặn Trung Quốc tham gia vào các cuộc xâm chiếm lãnh thổ ở Đài Loan hoặc Biển Đông.
“Trung Quốc đã quan sát kỹ lưỡng tình hình hiện tại về hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine. Bắc Kinh đặc biệt chú ý đến những phản ứng của cộng đồng quốc tế”, ông Kishi nói.
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh phản ứng toàn cầu sẽ đè nặng lên Bắc Kinh và “các hành động của họ ở khu vực châu Á trong tương lai”.
“Nếu cộng đồng quốc tế bằng cách nào đó cho phép hoặc dung túng cho hành động xâm lược của Nga ở Ukraine, thì có thể gửi một ‘thông điệp sai lầm’ rằng những hành động như vậy có thể được dung thứ ở các khu vực khác trên thế giới, bao gồm cả Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Từ góc độ đó, những hành động của Nga là không thể chấp nhận”, ông Kishi nói.
Trong thập niên qua, chi cho quân sự của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi. Nó làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh sẽ mở rộng quyền thống trị tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông hoặc Đài Loan. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và đe dọa sẽ chiếm lại bằng vũ lực nếu cần.
Nhật Bản tăng cường trừng phạt Nga
Trong cuộc chiến của Nga tại Ukraine, Nhật Bản đã phong tỏa tài khoản hàng chục tỷ USD của Moscow tại ngân hàng trung ương ở Tokyo; loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT); đóng băng tài sản của các quan chức và giới tinh hoa Nga.
Nhật Bản đã cung cấp cho Ukraine máy bay không người lái, áo chống đạn và viện trợ nhân đạo; đồng thời tiếp nhận những người di tản khỏi Ukraine bằng máy bay Nhật Bản.
Đáp trả Tokyo, Moscow đã cấm nhập cảnh vô thời hạn Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và hơn 60 bộ trưởng, quan chức, nhà báo và học giả trong nội các khác. Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc Tokyo đã phát động một “chiến dịch chống Nga chưa từng có” làm phá hủy “mối quan hệ láng giềng tốt đẹp” và gây thiệt hại cho “nền kinh tế Nga”.
Tuy nhiên, ông Kishi khẳng định Nhật Bản “sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều nhất có thể cho Ukraine.” Đồng thời ông cảnh báo, “ngày mai Ukraine có thể là Đông Á”.
Bộ trưởng Kishida cho biết Nhật Bản có kế hoạch trừng phạt bổ sung gồm đóng băng tài sản của 140 cá nhân, các ngân hàng Nga và sẽ ngừng xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Nga.
Trung Quốc nói Đài Loan không phải Ukraine
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Nhật Bản đang thổi phồng một mối đe dọa tiềm tàng từ Bắc Kinh để có được sự ủng hộ của công chúng nhằm tăng chi tiêu quốc phòng.
Các quan chức Trung Quốc nói rằng tranh chấp Nga-Ukraine và Trung Quốc-Đài Loan không liên quan đến nhau. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương nhận định Ukraine là một quốc gia có chủ quyền còn Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Bắc Kinh cam kết thống nhất hòa bình nhưng cũng giữ lại các biện pháp để kiềm chế Đài Loan độc lập.
Jacob Stokes, thành viên tại Trung tâm An ninh Mỹ, nhận định: “Trung Quốc đang theo dõi phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia dân chủ, và có thể bị bất ngờ trước sức mạnh và sự đoàn kết của họ. Bắc Kinh có thể cho rằng vai trò lớn hơn của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu hoặc tình hình chính trị của Đài Loan có thể khiến phản ứng yếu hơn. Bình luận của bộ trưởng Kishida nhằm vô hiệu hóa quan niệm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc”.
Các quan chức Mỹ từ lâu đã lo sợ rằng mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Nga và Trung Quốc có thể giúp hỗ trợ kinh tế và quân sự trong cuộc xâm lược Ukraine. Nhưng cho đến nay, Bắc Kinh vẫn tiếp tục hợp tác với Moscow mà không viện trợ Nga về mặt quân sự và kinh tế.
“Hiện tại, chúng tôi không nhận thấy sự hỗ trợ đáng kể từ Trung Quốc đối với các hành động quân sự của Nga”, ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào tháng 4.
Mỹ-Nhật-Hàn tăng cường hợp tác đối phó Trung Quốc, Triều Tiên
Ngoài Trung Quốc, ông Kishi lưu ý rằng Triều Tiên với hàng chục vụ thử tên lửa đạn đạo trong năm 2022; đang thúc đẩy các cuộc thảo luận ở Tokyo về khả năng tấn công các cơ sở quân sự của đối phương bằng máy bay chiến đấu.
Đồng thời ông Kishi nói rằng, Nhật Bản phải xem xét “những gì nên làm để bảo vệ người dân của mình”.
Các quan chức Mỹ đang hy vọng cải thiện quan hệ giữa Tokyo và Seoul (hai đồng minh Đông Á quan trọng nhất của họ) sau cuộc bầu cử chính phủ mới ở Seoul.
Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết ông muốn cải thiện quan hệ với Nhật Bản và tăng cường đối thoại.
Bộ trưởng Kishi cho biết ông sẽ “đảm bảo liên lạc chặt chẽ với chính quyền mới của Hàn Quốc để có thể tăng cường “hợp tác ba bên” giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.