Trung Quốc xây các con đập lớn nhất thế giới với “chiêu bài” đưa lượng khí thải CO2 về bằng 0 vào năm 2060. Tuy nhiên tham vọng thủy điện của nước này đã tác động tiêu cực đến các dòng sông và sinh kế của hàng triệu người dân Đông Nam Á ở khu vực hạ lưu, theo CNA Insider.
Sông Mekong chảy qua Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đây là một trong những hệ thống sông phức tạp nhất thế giới, chỉ đứng sau sông Amazon về đa dạng sinh học cá. Nhưng một lần nữa con sông này đang bị đe dọa bởi ý đồ của Trung Quốc nhằm đưa lượng phát thải CO2 về bằng 0 vào năm 2060.
Năm 1995, Trung Quốc đã hoàn thành đập thủy điện đầu tiên trên sông Mekong – đập Mạn Loan ở tỉnh Vân Nam. Kể từ đó, nước này đã xây thêm 10 đập nữa trên dòng sông chính, cùng với hàng trăm đập trên các nhánh sông Mekong.
Những con đập lớn mà Trung Quốc đang xây dựng đi kèm với cái giá phải trả cho môi trường và sinh kế của những người dân sống ở hạ nguồn.
Các con đập lớn của Trung Quốc tác động tiêu cực lên sông Mê Kong
Các con đập đã làm thay đổi dòng chảy truyền thống của sông Mekong. Môi trường sống tự nhiên bị chia cắt và khiến mực nước giảm xuống mức thấp báo động ở hạ lưu.
Nhà hoạt động môi trường Thái Lan, Niwat Roykaew cho biết: “Trong 20 năm qua, sông Mekong đã bị ảnh hưởng theo nhiều cách. Rất nhiều sinh vật đã tuyệt chủng, môi trường bị phá hủy. Xây dựng đập không thân thiện với môi trường”.
Theo báo cáo của Unesco và Viện Môi trường Stockholm năm 2017, các đập thủy điện cùng với các cơ sở hạ tầng quy mô lớn khác trên sông đã giữ lại trầm tích giàu chất dinh dưỡng và ngăn dòng chảy tự nhiên của sông ở hạ lưu.
Báo cáo cho thấy, lượng phù sa trung bình ở các khu vực của sông Mekong tại Thái Lan đã giảm tới 83% trong giai đoạn 2003-2009. Các tác động bất lợi ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu và thiếu thông tin liên lạc xuyên biên giới.
Giám đốc truyền thông khu vực Đông Nam Á của tổ chức Sông ngòi Quốc tế, Pianporn Deetes cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự biến động bất thường của nước đã làm thay đổi mạnh mẽ hệ sinh thái của sông Mekong”.
Ông Pianporn nhấn mạnh rằng, các đập đang tạo ra điện cho Trung Quốc nhưng thiệt hại thì những cộng đồng ở hạ nguồn phải gánh chịu.
Một nông dân tên Nipon Wutthikorn cho hay, diện tích đất phù sa màu mỡ đã giảm xuống… và các cồn cát cao hơn trước, không thể đoán được mực nước nữa.
Xây dựng đập là công cụ chính trị của Trung Quốc?
Các nhà hoạt động môi trường như ông Niwat lo ngại rằng, sông Mekong là phép thử cho quyền bá chủ của Trung Quốc ở Đông Á và hơn thế nữa; do các con đập của Trung Quốc đã giữ lại một lượng lớn nước trong hai năm qua.
Ông nói: “Giữ tất cả nước trong mùa mưa và xả ra trong mùa khô là sai. Nó đang đi ngược lại tự nhiên. Nó cũng đe dọa sinh kế của 60 triệu người sống ở hạ lưu khi gây ra mất mùa và cạn kiệt sản lượng đánh bắt cá”.
Ông Niwat lưu ý, đây là một chủ đề để đàm phán với Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh nói rằng họ chỉ giữ 13,5% lượng nước sông Mê Kong trên các con đập. Nhưng nếu họ muốn trữ hay xả nước bất cứ khi nào, nó sẽ gây ra những tác động rất lớn.
Tuy nhiên, ông Thiên Phú Cường, khoa Kỹ thuật Thủy lợi của Đại học Thanh Hoa cho rằng những lo ngại trên chỉ là “phóng đại”. Ông nói: “Nhiều người nghĩ rằng việc xây dựng các con đập cũng giống như việc ngắt nguồn nước máy; và sau đó bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn. Đánh giá này không tính đến diện tích cần để trữ nguồn nước lớn đến thế”.
Trong khi đó, kỹ sư môi trường Elizabeth Lai, từ Đại học Hồng Kông cho biết, kỹ thuật đằng sau các dự án đập là “vì lợi ích của nhân loại nhưng cần được quản lý đúng cách thay vì bị thao túng để trở thành một công cụ chính trị”.
Ông Pianporn kêu gọi các chính phủ liên quan cần có “ý chí chính trị mạnh mẽ” để công nhận những vấn đề này là “những vấn đề xuyên biên giới quan trọng ở Đông Nam Á”.
“Chúng tôi sẽ chết”
Trung Quốc còn tập trung vào một con sông khác cho dự án lớn nhất của họ: Một con đập lớn ở huyện Mạt Thoát (Tây Tạng) trên sông Yarlung Tsangpo. Con sông xuyên biên giới này được gọi là Brahmaputra ở Ấn Độ, chiều dài 3.000 km từ thượng nguồn trên dãy Himalaya qua Tây Tạng, Ấn Độ và Bangladesh.
Dự án thủy điện này được coi là đập lớn nhất thế giới, tạo ra 300 tỷ kwh mỗi năm. Người ta ước tính rằng con đập có thể tạo ra sức mạnh gấp ba lần đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử. Tác động đối với Ấn Độ và Bangladesh có thể rất lớn.
Vào tháng 3, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Trong đó họ có kế hoạch xây dựng con đập như một phần trong “chiêu bài” của Trung Quốc nhằm đưa lượng phát thải CO2 bằng 0 vào năm 2060. Và chính những người sống ở hạ lưu, sẽ phải trả giá đắt.
Một dân chài Masud nói trong lo lắng: “Cuộc đời tôi sẽ kết thúc, vì tôi là một người lái thuyền. Cả gia đình chúng tôi sống dựa vào dòng sông để sinh tồn. Không có cách nào khác để tồn tại – chúng tôi sẽ chết”.