Tình trạng phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc và cắt giảm lãi suất đang khiến đồng nhân dân tệ mất giá và làm trầm trọng thêm dòng vốn đầu tư chảy ra nước ngoài, theo Tiến sĩ Antonio Graceffo, giáo sư kinh tế, tác giả của cuốn sách: “Ngoài Vành đai và con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc” và “Một khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc”.
Các biện pháp phong tỏa không biết sẽ kéo dài bao lâu, và điều gì sẽ xảy ra sau vụ phong tỏa Thượng Hải? Những điều này tạo nên bầu không khí “không chắc chắn” trong các nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư tăng tốc quá trình rời bỏ Trung Quốc.
Vào tháng 3, các nhà đầu tư Hồng Kông đã bán tháo các khoản nợ bằng đồng nhân dân tệ trị giá kỷ lục 24,2 tỷ USD. Việc rút lui khỏi các khoản đầu tư Trung Quốc gia tăng do triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc đang giảm dần, lợi suất trái phiếu giảm và lãi suất tại Mỹ tăng cao.
Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác đang tăng lãi suất để chống lạm phát, ngân hàng trung ương Trung Quốc đang xem xét cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Vào tháng 4, ngân hàng trung ương đã giảm yêu cầu dự trữ từ 9% xuống 8% nhằm tăng cung tiền.
Các nhà đầu tư đang đổi tiền của họ từ nhân dân tệ sang đô la, điều này đang khiến đồng đô la tăng giá trong khi đẩy đồng nhân dân tệ đi xuống. Trong bốn tuần qua, tỷ giá giao ngay của đồng nhân dân tệ đã mất giá hơn 6% so với đồng đô la. Các nhà phân tích của UBS kỳ vọng đồng nhân dân tệ sẽ còn mất giá hơn nữa. Barclays cũng hạ dự báo đồng nhân dân tệ sẽ mất giá tới mức 6,9 nhân dân tệ đổi 1 đô la, nhưng cho biết đồng nhân dân tệ có thể mất giá hơn nữa, tới mức 7 nhân dân tệ đổi 1 đô la, nếu tình trạng phong tỏa và gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục.
Các nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc từ năm 2021 khi dịch Covid-19 đang diễn ra, các vấn đề về chuỗi cung ứng xuất hiện. Trong khi đó, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện các cuộc trấn áp đối với nhiều lĩnh vực kinh doanh, bao gồm cả công nghệ và giáo dục.
Những vấn đề này đi kèm với một cuộc khủng hoảng nợ đang diễn ra với các công ty nổi tiếng của Trung Quốc, chẳng hạn như Evergrande.
Kể từ đầu năm nay, cuộc chiến tại Ukraine và các lệnh trừng phạt tiềm tàng đối với Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ và khiến họ từ bỏ tài sản bằng đồng nhân dân tệ của mình. Việc các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm dòng vốn chảy ra.
Vào ngày 18/5, Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống 4%. Ngay cả mức dự báo lạc quan hơn một chút của Economist Intelligence Unit là 4,4% đến 4,7%, thì cũng thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% của Bắc Kinh.