Cấm du lịch ở đảo đẹp bậc nhất Khánh Hòa để giữ bí mật quân sự; Động đất tại Kon Tum bất thường, lớn nhất từ 120 năm trở lại đây; Giá nhà ở Việt Nam cao gấp 20 lần thu nhập là những tin nổi bật tuần qua.

Cấm du lịch ở đảo Bình Ba và Bình Hưng

Hai hòn đảo du lịch nổi tiếng này ở Khánh Hòa bị cấm đón tiếp du khách để đảm bảo cho hoạt động quân sự tại Cam Ranh.

Việc cấm hoạt động du lịch tại đảo Bình Ba và Bình Hưng nhận được nhiều ý kiến tán thành. Nhiều người cho rằng lệnh cấm có phần muộn, vì hai hòn đảo này như yết hầu nằm phía ngoài khu căn cứ quân sự Cam Ranh; mọi hoạt động ra vào của tàu nổi, tàu ngầm đều rất dễ quan sát.

Năm tướng cảnh sát biển bị bắt

Ngày 18/4, dàn tướng tá cảnh sát biển bị bắt, truy tố là: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển), trung tướng Hoàng Văn Đồng (cựu Chính ủy), thiếu tướng Doãn Bảo Quyết (cựu Phó Chính ủy), thiếu tướng Phạm Kim Hậu (cựu Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng), thiếu tướng Bùi Trung Dũng (cựu Phó Tư lệnh), đại tá Nguyễn Văn Hưng (Chủ nhiệm Kỹ thuật và Phó Tư lệnh) và thượng tá Bùi Văn Hòe (Phó Phòng Tài chính).

Ông Nguyễn Văn Sơn khi đương chức tư lệnh Cảnh sát biển phát biểu về chuyên đề “thực thi pháp luật” tại Học viện lục quân, năm 2019 (ảnh: Canhsatbien.vn).

7 sĩ quan Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nêu trên bị điều tra về tội Tham ô tài sản.

Cũng tại Cảnh sát biển Việt Nam, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đang điều tra một vụ án khác liên quan sai phạm về xăng dầu. Cục Điều tra Hình sự cũng đã khởi tố 14 người về tội Nhận hối lộ.

Bắt ông Đỗ Thành Nhân vì ‘thao túng chứng khoán’

Ngày 20/4, Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Louis Holdings), Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt) cùng Trịnh Thị Thuý Linh (Giám đốc điều hành Louis Holdings), Lê Thị Thuỳ Liên (nhân viên dịch vụ tài chính Công ty Chứng khoán Trí Việt) bị công an bắt, khởi tố, tạm giam để điều tra về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong.

Trước đó vào tháng Ba, công ty cổ phần Louis Holdings bị phạt tiền và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 2 tháng vì mua “chui” cổ phiếu công ty con.

Đây là vụ án thứ hai bị Bộ Công an khởi tố về hành vi thao túng thị trường chứng khoán trong gần một tháng qua. Trước đó, cùng tội danh này ngày 29/3, Bộ Công an bắt tạm giam cựu chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và những người liên quan.

Giá nhà ở Việt Nam cao gấp 20 lần thu nhập

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua, biểu hiện qua chỉ số giá nhà ở của Việt Nam cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội. So với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập.

Về nguyên nhân khiến giá nhà đất liên tục tăng, HoREA cho rằng hiện nay, thị trường bất động sản đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân (nhà ở giá vừa túi tiền) và nhà ở xã hội là 2 loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị.

Theo HoREA, các “bất cập” này bắt nguồn từ các nguyên nhân do vướng mắc từ quy định pháp luật, hạn chế trong khâu thực thi pháp luật, việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm túc, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp và lực lượng “phi chính thức” (đầu nậu, cò đất cò nhà…) trên thị trường.

Giá thực phẩm tăng 37%, nghèo đói tăng lên

Trong một báo cáo công bố ngày 20/4, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính giá thực phẩm đã tăng khoảng 37% so với năm ngoái trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine kéo dài. WB cũng cảnh báo hàng triệu người đang bị đẩy vào cảnh nghèo khó.

Lãnh đạo của cả WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng lưu ý lãi suất tăng đang bóp chết các nước nghèo nhất thế giới.

Trong khi đó tại buổi họp bên lề của Cuộc họp mùa xuân do WB và IMF tổ chức, Chủ tịch WB David Malpass cảnh báo an ninh lương thực đang xấu đi nhanh nhất ở các quốc gia có thu nhập trung bình. Theo ước tính của WB, giá lương thực cứ tăng 1% thì sẽ có thêm khoảng 10 triệu người rơi vào nhóm “cực kỳ nghèo khó”.

Động đất ở Kon Tum tăng bất thường

Viện trưởng Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh, cho biết số trận động đất tại huyện Kon Plông (Kon Tum) và lân cận xảy ra thường xuyên, xu hướng mạnh dần từ tháng 4/2021 đến nay.

Năm 2021 ghi nhận 169 trận động đất lớn hơn 2,5 độ. Từ ngày 15/4 đến 18/4, địa bàn xảy ra 22 trận, lớn nhất 4,5 độ, rung chấn lan sang các địa phương lân cận.

Ảnh chụp màn hình báo TTXVN.

“Đây là con số tăng báo động vì trong gần 120 năm trước thời điểm này, khu vực Kon Plông chỉ ghi nhận 33 trận động đất, trong đó hai trận lớn hơn 3 độ”, ông Xuân Anh nói.

Lãnh đạo Viện Vật lý địa cầu cho rằng nguyên nhân động đất ngoài liên quan đứt gãy địa chất thì việc tích nước của các thủy điện cũng đáng lưu tâm, vì đây là lý do gây ra động đất ở khu vực thủy điện sông Tranh (Quảng Nam). Thời gian tới, Kon Plông vẫn có thể xảy ra động đất, độ lớn tối đa 5-5,5 độ, thậm chí mạnh hơn.

Lịch sử trở thành môn tự chọn từ lớp 10

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, được triển khai từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT, học sinh sẽ chỉ còn học 5 môn bắt buộc. Các môn còn lại sẽ được đưa vào danh sách các môn tự chọn theo nhóm. Môn Lịch sử cũng nằm trong nhóm tự chọn này với cụm môn Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).

Điều này nhận được nhiều ý kiến trái chiều ngay chính giáo viên cũng như các chuyên gia giáo dục. Một số chuyên gia giáo dục và bậc phụ huynh lo ngại khi trở thành môn học tự chọn, môn Lịch sử sẽ dễ bị “khai tử” khi không có học sinh lựa chọn.