Bộ trưởng Trung Quốc Vương Nghị sắp tới Phnôm Pênh sau khi chính quyền Thủ tướng Hun Sen tuyên bố Campuchia muốn “làm em” của cả Mỹ và Trung Quốc.
Ông Vương Nghị dự kiến sẽ đến Campuchia vào Chủ nhật (18/10). Bộ Ngoại giao Campuchia cho biết ông Vương dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Hun Sen, Phó Thủ tướng Hor Namhong và Bộ trưởng Ngoại giao Prak Sokhonn.
Campuchia ngày càng thân thiết với Trung Quốc
Theo SCMP, chuyến thăm của ông Vương Nghị báo hiệu mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai nước. Xứ sở chùa tháp cũng là chặng dừng đầu tiên trong chuyến công du tới 4 nước Đông Nam Á của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc.
Chủ tịch Viện Tầm nhìn Châu Á Chheang Vannarith nhận định, Phnom Penh là điểm dừng chân đầu tiên của ông Vương “cho thấy Campuchia là người bạn đáng tin cậy nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á”.
Ông Vannarith nói, chuyến thăm của Vương Nghị được thiết lập để thách thức áp lực mà Washington đặt ra với Phnom Penh. Tuy nhiên, chuyến thăm cũng đặt Phnôm Pênh vào tình thế nhạy cảm vì rơi vào cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh.
Áp lực từ chính quyền Trump đối với Campuchia
Tháng trước, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty đầu tư Union Development Group thuộc sở hữu của Trung Quốc. Công ty này có hợp đồng thuê 99 năm một vùng đất rộng lớn, chiếm 20% đường bờ biển của Campuchia.
Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng Bắc Kinh sẽ lợi dụng dự án thuê đất để cài cắm các thiết bị quân sự dễ dàng tiếp cận Biển Đông. Đồng thời, dự án này cũng gây tổn hại đến môi trường và khiến người dân địa phương buộc phải rời khỏi vùng đất của họ.
Tháng trước, chính quyền Hun Sen đã phá hủy một cơ sở do Mỹ tài trợ tại căn cứ Hải quân Ream ở Vịnh Thái Lan. Người phát ngôn của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Campuchia Chad Roedemeier cho biết: “Chúng tôi lo ngại rằng việc phá hủy cơ sở này có thể gắn liền với kế hoạch lưu trữ tài sản và nhân viên quân sự của Trung Quốc tại Căn cứ Hải quân Ream.
Trước đó, Campuchia đã đồng ý cho Trung Quốc mở rộng cầu tàu, nạo vét cát để đón nhận các tàu chiến lớn và xây dựng một cơ sở sửa chữa tàu.
Campuchia muốn làm em của cả Mỹ và Trung Quốc
Nhà nghiên cứu Vannarith cho rằng nói: “Campuchia đã trở thành nơi đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Ông nói với SCMP: “Campuchia gần gũi hơn và tin tưởng Trung Quốc hơn trong khi nước này vẫn mở cửa với Hoa Kỳ. Đây là cơ hội để Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa ở Campuchia. Mỹ càng gây sức ép thì Trung Quốc càng đẩy mạnh ”.
Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết Phnom Penh muốn cả Bắc Kinh và Washington coi nước này như một quốc gia “em gái”.
Ông Siphan nói: “Quan hệ Trung Quốc-Campuchia vẫn tốt đẹp như mọi khi, trên cả hai lĩnh vực kinh tế và chính trị. Chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn việc trở thành một chiến trường địa chính trị”.
Miếng mồi thỏa thuận thương mại
Trong chuyến thăm này, ông Vương Nghị dự kiến sẽ ký một thỏa thuận thương mại tự do Trung Quốc – Campuchia. Đây là thỏa thuận đầu tiên chưa từng có giữa chính quyền Hun Sen và một quốc gia khác.
Thỏa thuận này là một “món mồi” quan trọng mà Bắc Kinh dành tặng Phnôm Pênh, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài. Chỉ vài tháng trước, Campuchia bị Liên minh châu Âu gỡ bỏ chế độ ưu đãi Everything But Arms (EBA), một chương trình miễn thuế nhập khẩu đối với tất cả hàng hóa từ những nước kém phát triển, trừ vũ khí.
Vào tháng 8 Bỉ đã áp thuế đối với 20% hàng hóa xuất khẩu của Campuchia sang EU. Biện pháp này là nhằm trừng phạt chính quyền Hun Sen đàn áp nhân quyền và phá hoại dân chủ ở Campuchia.
Tuy nhiên, thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Phnôm Pênh cũng làm dấy lên quan ngại, vì chỉ tính riêng năm ngoái Campuchia đã thâm hụt thương mại khoảng 6 tỷ USD với Trung Quốc.
Trung Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Campuchia, là đối tác thương mại hàng đầu của nước này và cũng là nước nắm giữ 46% trong tổng số 7,9 tỷ USD nợ nước ngoài của Campuchia.