(Ảnh minh họa: Shutterstock). |
Người xưa nói: “Không nhịn được việc nhỏ, sẽ làm hỏng việc lớn” (Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu). Phàm là những người làm nên việc lớn từ xưa đến nay đều có khả năng nhẫn nại. Những bậc hiền nhân, minh triết đều nhấn mạnh sự lợi hại của chữ nhẫn khi vận dụng nó vào đời sống. Người đời sau luôn đặt chữ nhẫn lên hàng đầu để làm phương kế sống của cả một đời.
Nhân giả vô địch (người nhân từ khắp thiên hạ không có kẻ thù nào). Phàm là người giữ trọng trách càng lớn càng phải hiểu mệnh. Người có đạo đức cao thượng, sống không tranh, bao dung rộng lượng bao nhiêu thì sự nghiệp lẫy lừng bấy nhiêu.Trong đối nhân xử thế, nhẫn nhịn có thể hoá giải những mâu thuẫn xung đột. Nhưng nếu chỉ nhẫn trên bề mặt mà trong tâm còn uất hận, uỷ khuất thì vẫn chưa phải là cái nhẫn của bậc trí tuệ hơn người. Có thể thiện giải mọi thị phi ân oán, cái gốc của đức nhẫn lại chính là tấm lòng bao dung, nhân ái vị tha. Người có tấm lòng bao dung rộng lượng, không so đo với người, dung nạp được cả những điều người thường khó dung nạp, cuối cùng có thể đạt tới cảnh giới vô tư vô ngã.
Trong lịch sử có rất nhiều ví dụ về tấm lòng nhẫn nại bao dung làm nên việc lớn. Câu chuyện về tổng thống vĩ đại của nước Mỹ – Abraham Lincoln là một minh chứng:
Tổng thống Mỹ thứ 16 Abraham Lincoln xuất thân trong một gia đình thợ giày. Thời bấy giờ, xã hội Mỹ rất coi trọng thành phần xuất thân trong gia đình quyền quý. Đại bộ phận nghị sĩ thượng nghị viện Mỹ đều xuất thân trong gia đình thế gia vọng tộc. Là những người của xã hội thượng lưu Mỹ, họ thấy khó chấp nhận một vị Tổng thống là con trai của một thợ giày rất tầm thường.
Ngày đầu tiên làm tổng thống, ngay khi Lincoln lên phát biểu trong lễ nhậm chức Tổng thống, một nghị sĩ đã chen vào giữa bài phát biểu của ông. Ông ta nói: “Thưa ngài Lincoln, đừng quên rằng cha ngài thường đóng giày cho gia đình tôi.” Tất cả các nghị sĩ đều cười ầm lên. Họ nghĩ rằng họ đã khiến Lincoln trở thành trò hề.
(Lễ nhậm chức của Tổng thống Lincoln ảnh: Gettyimages). |
Tuy nhiên, khi tiếng cười vừa chấm dứt, Tổng thống Lincoln không cao ngạo, cũng không tự ti mà chân thành nói: Thưa ngài, tôi biết rằng cha tôi đã đóng giày cho gia đình ngài, cũng như nhiều gia đình các nghị sĩ khác… bởi vì không người thợ nào có thể làm được như ông. Ông là một người sáng tạo. Giày của ông không chỉ là giày, ông đã đổ cả tâm hồn vào nó. Tôi muốn hỏi các ngài rằng, các ngài đã từng phàn nàn về giày của ông chưa? Bản thân tôi cũng biết cách đóng giày; nếu các ngài có phàn nàn gì, thì tôi có thể đóng cho các ngài một đôi giày khác. Nhưng theo tôi thấy thì, chưa ai từng phàn nàn về những đôi giày mà cha tôi đóng. Ông là một thiên tài, một nhà sáng tạo, và tôi tự hào vì cha tôi!
Toàn bộ các nghị sĩ nín lặng. Họ nhận ra rằng họ chưa hiểu gì về Tổng thống Lincoln. Lincoln tự hào về người cha đóng giày của mình, vì chưa ai từng phàn nàn về những “tác phẩm” của ông. Và mặc dù đã là Tổng thống, Lincoln vẫn sẵn sàng đóng một đôi giày mới nếu có bất cứ ai phàn nàn.
Sau này có người đã khuyên Lincoln trả đũa người nghị sĩ nọ, nhưng Lincoln nói rằng: Khi chúng ta trở thành bạn thì đối thủ đã không còn!
Sự chân thành, nhẫn nại và bao dung của Lincoln đã làm nên nhân cách vĩ đại, trở thành một phần nền tảng của văn hoá Mỹ.
Người xưa quan niệm rằng hết thảy tài phú, danh dự, địa vị đều là những thứ bên ngoài, đức hạnh mới là căn bản, là cái gốc rễ của một người.
Đức dày có thể nâng đỡ được vạn vật (Hậu đức tải vật), hay nói cách khác, người có tài phú nhất định phải là người có đức dày. Ông trời ban cho một người hay một quốc gia bao nhiêu vinh hoa phú quý là căn cứ ở việc họ có bao nhiêu đức hạnh.
Một người trong lòng có hoài bão, ý chí lớn lao, muốn làm được việc lớn cần hiểu điều này. Vậy nên, bước đầu tiên trong quá trình thành tựu sự nghiệp, mỗi người cần tu dưỡng đức nhẫn nại và tấm lòng bao dung.