Nước sông Mekong ở các quốc gia hạ nguồn như Việt Nam bị suy giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, Bắc Kinh tồn giữ lượng lớn nước sông Mekong trong các đập thủy điện ở Trung Quốc. Làm sao để Trung Quốc san sẻ nước sông Mekong với các quốc gia khác?
Một nhóm chuyên cho rằng các quốc gia hạ nguồn có thể sẽ phải dùng đến phương án “trả tiền” để Trung Quốc xả nước sông Mekong, theo BenarNews.
Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, sông Mekong sau khi rời Trung Quốc, thì chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, sau đó đổ ra Biển Đông.
Ước tính có hơn 70 triệu người từ 5 quốc gia Đông Nam Á sống phụ thuộc vào dòng sông Mekong hùng vĩ này; chủ yếu thông qua đánh bắt cá và nông nghiệp. Tuy nhiên, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì Trung Quốc vận hành 129 con đập trên sông Mekong và các phụ lưu của nó ở thượng nguồn. Trong tương lai Trung Quốc còn bổ sung thêm một số đập thủy điện khác.
Theo các chuyên gia, các dự án như vậy ở Trung Quốc đã hút bớt một lượng nước đáng kể từ sông Mekong. Điều đó đang đe dọa cuộc sống của những người đánh cá ở hạ lưu sông Mekong, theo ông Brian Eyler, người lãnh đạo một dự án về sông Mekong gọi là “Mekong Dam Monitor” của Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn của Mỹ.
Ông Eyler cho biết: “Những người đánh cá này đang gặp rủi ro [do] các đập thượng nguồn hạn chế xả nước trong thời gian dòng chảy thấp như thế này”.
“Những con đập lớn này được xây dựng ở Trung Quốc. Họ xây dựng chúng là có lý do. Có một động cơ lợi nhuận đằng sau đó”, ông Eyler nói trong một cuộc thảo luận trực tuyến vào ngày 15/2.
Ông Alan Basist, một nhà khí hậu học, cũng là một người lãnh đạo dự án Mekong Dam Monitor, cho biết có thể dùng đến phương án bảo hiểm để khiến Trung Quốc xả nước. Ông cho biết ngành bảo hiểm có thể thu tiền từ các quốc gia hạ nguồn, và sử dụng những khoản tiền đó để trả tiền cho Trung Quốc xả nước.
“Ví dụ, ngành bảo hiểm đến Trung Quốc và nói rằng chúng tôi sẽ trả tiền để các ông xả nước. Chúng tôi biết rằng các ông sẽ bị thiệt hại về tài chính, vì (nếu xả nước), các ông không thể bán điện vào mùa khô”, ông Basist nói trong cuộc thảo luận.
Ông Basist cho biết: “Những thỏa thuận như vậy đã được thực hiện ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, và chúng rất thành công”.
“Một trong những lợi thế là họ có thể đánh giá chi phí kinh tế và môi trường, sau đó điều chỉnh các khoản thanh toán sao cho phù hợp với các tác động sẽ xảy ra.”
Ông Eyler đồng ý với ý kiến của ông Basist. Ông Eyler nói: “Lựa chọn bảo hiểm … thực sự là một trong những lựa chọn rẻ nhất và công bằng nhất; bởi vì không nhất thiết những người đánh cá ở sông Mekong phải trả tiền, bỏ tiền ra cho điều đó.”
Tình trạng thiếu nước trên sông Mekong
Các chuyên gia nhận định rằng sông Mekong đang có dòng chảy thấp kỷ lục; trong khi mùa khô dài hơn và mùa mưa ngắn hơn. Hơn nữa, dòng chảy càng bị hạn chế, vì các đập thủy điện ở thượng nguồn giữ lại một lượng nước đáng kể.
Ông Basist cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng các quan sát vệ tinh để xác định nước chảy hay không chảy qua thượng nguồn sông Mekong; và chúng tôi biết rất rõ ràng rằng các con đập có khả năng giữ lại một lượng nước khổng lồ.”
Ông nói: “Vì vậy, chúng tôi đang thấy lưu lượng giảm đáng kể.”
Ngược lại, việc xả nước đột ngột từ các con đập ở thượng nguồn có thể gây sốc cho dòng sông, theo ông Eyler.
Ông nói: Vào năm 2021, các đợt xả đập ở thượng nguồn đã khiến sông dâng lên hơn nửa mét và sau đó giảm một lượng tương đương khi các đợt xả nước dừng lại.
Ông Eyler nói, mực nước tăng hoặc giảm hơn một mét trong nhiều lần. “Điều này thực sự đáng lo ngại”, ông Eyler cho biết.
Các chuyên gia cho biết sông Mekong cũng là một trong những lưu vực sông lớn nhất và giàu đa dạng sinh học nhất thế giới, nhưng mực nước dao động có thể gây hại cho các loài chim và thực vật.
Ngoài Trung Quốc, các nước khác cũng có rất nhiều đập nước trên sông Mekong.
Trong khi 11 đập lớn nhất là ở Trung Quốc; Thái Lan có 152 đập đã hoàn thành trên lưu vực sông Mekong. Lào có 68 đập đang vận hành và 37 đập nữa đang được xây dựng. Việt Nam có 78 đập và Campuchia có 9 đập nước trên sông Mekong.