Site icon MUC News

Cảnh báo “đào tạo chui” môi giới bất động sản: Nguy cơ phá vỡ chuẩn mực thị trường

các doanh nghiệp bất động sản cũng đẩy mạnh mở rộng quy mô, đặc biệt trong mảng môi giới, nhằm đón đầu các dự án chuẩn bị ra mắt.(Ảnh: Internet)

Dù Bộ Xây dựng đã ban hành quy định chặt chẽ về đào tạo môi giới bất động sản, thực trạng “đào tạo chui”, tổ chức lớp học sai phép vẫn ngang nhiên diễn ra.

Điều này không chỉ làm gia tăng rủi ro cho thị trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín ngành môi giới bất động sản.

Nhu cầu nhân lực tăng mạnh kéo theo hệ lụy đào tạo

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại thị trường đã tăng 76% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng 15%, tương đương khoảng 430 doanh nghiệp gia nhập thị trường mỗi tháng.

Để đón đầu các dự án mới, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh tuyển dụng, mở rộng quy mô hoạt động môi giới. Nhu cầu nhân lực tăng cao đã kéo theo làn sóng quay lại hành nghề của hàng chục nghìn môi giới bất động sản, trong đó có cả những người chưa từng được đào tạo bài bản.

Xu hướng tích cực: Môi giới chuẩn hóa, hành nghề chuyên nghiệp

Thị trường ghi nhận nhiều cá nhân môi giới chủ động thích ứng với yêu cầu mới. Họ nghiêm túc tham gia các khóa học chính quy, chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định pháp luật.

Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện tinh thần cầu thị, chuyên nghiệp và minh bạch của một bộ phận môi giới bất động sản đang hướng đến việc chuẩn hóa hoạt động hành nghề.

Báo động tình trạng “lách luật” trong đào tạo môi giới

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực chuẩn hóa, thị trường vẫn tồn tại thực trạng “đào tạo chui” đáng lo ngại. Nhiều cá nhân tự xưng là môi giới dù chưa từng tham gia bất kỳ chương trình đào tạo chính thống nào. Họ bị dẫn dắt bởi các khóa học thiếu nội dung, không được công nhận bởi cơ quan chức năng.

Đặc biệt, một số đơn vị đào tạo dù nắm rõ quy định pháp luật nhưng vẫn cố tình tổ chức lớp học sai phép để trục lợi. Những khóa học này được tổ chức chóng vánh, chỉ kéo dài 5 giờ đồng hồ (tương đương 6 tiết học), hoàn toàn không đáp ứng được khung chương trình tối thiểu 74 tiết học như Thông tư 04/2024/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định.

Học viên mất tiền thật, nhận “kiến thức giả”

Dù thời lượng bị cắt xén nghiêm trọng, học phí các khóa học “chui” vẫn dao động từ 2 đến 2,5 triệu đồng/khóa. Điều này khiến học viên vừa mất tiền, vừa không được trang bị đầy đủ kiến thức hành nghề cơ bản. Về lâu dài, lực lượng môi giới được đào tạo qua hình thức này có nguy cơ trở thành mắt xích yếu trong thị trường, gây ra hệ lụy về chất lượng giao dịch.

Đáng nói hơn, những khóa học không đạt chuẩn lại thu hút lượng lớn học viên vì điều kiện học và thi dễ dàng. Trong khi đó, các khóa học được tổ chức bởi đơn vị uy tín lại ít được quan tâm do yêu cầu cao về chuyên môn và thời gian.

Vars đề xuất siết chặt kiểm tra, xử lý sai phạm

Trước thực trạng này, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm. Việc chấm dứt tình trạng “thu tiền thật, đào tạo giả” là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của học viên và đảm bảo tính minh bạch, chuyên nghiệp của thị trường môi giới bất động sản.

Theo: VNeconomy