Một bước tiến tích cực trong quan hệ thương mại Mỹ – EU cùng kỳ vọng hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc đã tạo cú hích cho thị trường dầu mỏ toàn cầu, kéo giá dầu bật tăng trong phiên sáng 28/7.

Giá dầu phục hồi sau ba tuần giảm

Sáng 28/7, giá dầu thế giới ghi nhận mức tăng nhẹ sau chuỗi phiên lao dốc vì lo ngại căng thẳng thương mại toàn cầu. Cụ thể, lúc 8h35 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 22 xu (0,32%) lên 68,66 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng tăng 22 xu (0,34%), lên mức 65,38 USD/thùng.

Diễn biến này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang dần ổn định trở lại nhờ các tín hiệu tích cực từ bàn đàm phán thương mại quốc tế.

Thỏa thuận Mỹ – EU ngăn nguy cơ chiến tranh thuế quan

Ngày 27/7, Mỹ và Liên minh châu Âu đạt được thỏa thuận khung về thương mại, qua đó thống nhất mức thuế nhập khẩu 15% đối với hầu hết hàng hóa EU. Con số này chỉ bằng một nửa so với mức thuế từng bị đe dọa trước đó, giúp xoa dịu lo ngại về một cuộc chiến thương mại quy mô lớn giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.

Theo các chuyên gia, thỏa thuận này không chỉ ổn định quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương mà còn tác động tích cực đến các thị trường năng lượng, tài chính.

Mỹ – Trung chuẩn bị nối lại đối thoại

Bên cạnh tiến triển với EU, Mỹ còn cho thấy dấu hiệu muốn hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc. Dự kiến, các quan chức cấp cao hai nước sẽ gặp nhau tại Stockholm trong ngày 28/7 (giờ địa phương) để bàn về việc gia hạn thỏa thuận đình chiến thương mại – trước thời hạn chót áp thuế cao hơn vào ngày 12/8.

Động thái này làm tăng kỳ vọng vào một môi trường thương mại toàn cầu ổn định hơn, từ đó hỗ trợ tâm lý thị trường và kỳ vọng tiêu thụ dầu mỏ.

OPEC+ vẫn là ẩn số lớn với giá dầu

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, thị trường vẫn đối mặt với yếu tố bất định từ phía nguồn cung. Một nguồn tin cho biết OPEC+ vẫn đang cân nhắc việc tiếp tục nới lỏng cắt giảm sản lượng để giành lại thị phần, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu dầu đang tăng trong mùa hè.

Điều này khiến giá dầu khó có thể bật mạnh, dù được hỗ trợ bởi các yếu tố địa chính trị và thương mại.

Theo: TTXVN