Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững. Một trong những giải pháp nổi bật hiện nay là mô hình canh tác lúa giảm phát thải – vừa bảo vệ môi trường, vừa giúp ổn định sinh kế cho người nông dân.
- Đặc phái viên của Ông Trump gặp tổng thống Putin, bàn về giải pháp cho khủng hoảng Ukraine
- Mai Phương Thúy lên tiếng về tin đồn “lãi 1,5 tỷ sau 1 đêm” nhờ đầu tư cổ phiếu
- Sập hầm tàu điện ngầm đang thi công tại Hàn Quốc: Một công nhân mắc kẹt ở độ sâu 30 mét
Tại tỉnh Sóc Trăng, trong vụ Đông Xuân 2024 – 2025, mô hình này đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Từ năng suất, lợi nhuận đến tác động môi trường đều cho thấy tính hiệu quả rõ rệt, mở ra hướng đi mới cho sản xuất lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long trong thời kỳ thích ứng với biến đổi khí hậu.
Lợi nhuận gần 38 triệu đồng mỗi hecta
Tại Hợp tác xã (HTX) Nông sản Mỹ Hương (ấp Trà Coi B, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng), Trung tâm Giống nông nghiệp và Khuyến nông Sóc Trăng vừa tổ chức hội thảo sơ kết dự án khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu đồng bằng sông Cửu Long”.
Dự án do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền chủ trì, triển khai tại bốn địa phương: Kiên Giang, Sóc Trăng, TP. Cần Thơ và Đồng Tháp. Mô hình không chỉ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mà còn thay đổi tư duy sản xuất – chuyển từ canh tác truyền thống sang một nền nông nghiệp xanh, sinh thái và bền vững, hướng tới mục tiêu “gạo xanh – sống lành” và khẳng định vị thế gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Theo ông Ngô Nam Thạnh – Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp và Khuyến nông Sóc Trăng, mô hình được thực hiện trên 50ha với sự tham gia của 17 hộ dân. Giống lúa ST25 chất lượng cao được lựa chọn, kết hợp với các kỹ thuật như gieo sạ mật độ thấp (70kg/ha), tưới ngập – khô xen kẽ (AWD), giảm lượng phân bón hóa học (chỉ sử dụng 80% so với trước), giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường.
Kết quả cho thấy năng suất trung bình đạt 6,5 tấn/ha, giá bán 9.200 đồng/kg, mang lại lợi nhuận gần 38 triệu đồng/ha. Đáng chú ý, chi phí giảm 4,5 triệu đồng/ha so với canh tác thông thường, lợi nhuận tăng hơn 15 triệu đồng.
Cắt giảm phát thải, tăng độ phì nhiêu cho đất
Không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế, mô hình canh tác lúa giảm phát thải còn mang lại nhiều lợi ích về môi trường. Việc giảm lượng phân đạm, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật và quản lý nước tưới khoa học đã góp phần cắt giảm lượng khí metan phát thải tới 48% so với phương pháp truyền thống.
Ông Mai Quốc Biên – Giám đốc HTX Nông sản Mỹ Hương chia sẻ, với tổng diện tích 540ha lúa, vụ Đông Xuân vừa qua, HTX đã đưa 50ha vào mô hình mới. Kết quả bước đầu cho thấy tiềm năng lớn trong việc tiết kiệm chi phí sản xuất, đặc biệt là phân bón và thuốc BVTV, đồng thời nâng cao thu nhập cho nông dân.
Cũng theo ông Trần Tấn Thành – Trưởng vùng ĐBSCL, Công ty CP Phân bón Bình Điền, doanh nghiệp không chỉ cung cấp phân bón mà còn đồng hành cùng nông dân trong quản lý giống, nước, phân và rơm rạ. Đặc biệt, việc sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ ngay tại ruộng đã giúp hoàn trả dinh dưỡng cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ và giảm thiểu lượng phân hóa học cần thiết.
Hướng tới phát triển bền vững
Dự án hướng đến mục tiêu giảm 10 – 15% chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận tương ứng và giảm phát thải khí nhà kính từ 10 – 40%. Trong đó, lượng phân đạm có thể giảm tới 30 – 40%. Đồng thời, mô hình còn áp dụng kỹ thuật rút nước ba lần trong vụ để giảm phát thải, và sau thu hoạch, rơm rạ được thu gom, xử lý bằng vi sinh để không gây ô nhiễm môi trường.
Mô hình canh tác lúa giảm phát thải không chỉ là giải pháp tạm thời mà còn là bước tiến dài hạn trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam.