Daniel Prochazka – người từng được tuyển chọn tập tại đội 1 Barcelona muốn khoác áo tuyển Việt Nam; Tại sao Trung Quốc phóng đại thông tin cầu thủ của họ bán độ ở trận thua Việt Nam?
Cầu thủ Việt kiều muốn khoác áo tuyển Việt Nam
Daniel Prochazka có bố là người Việt Nam, mẹ người CH Séc, năm nay anh 26 tuổi. Anh đang đá cho CLB Pribram ở giải VĐQG CH Séc. Đây là mẫu cầu thủ giàu tốc độ, giỏi đột phá từ cánh trái vào trung lộ rồi dứt điểm.
Đặc biệt, Prochazka từng là 1 trong 3 tài năng trẻ của CH Séc – Slovakia được Barcelona tuyển chọn để tập luyện cùng đội một của đội bóng này.
Mới đây, Prochazka từng bày tỏ: “Tôi chưa từng chơi bóng cho đội tuyển CH Séc và hoàn toàn có thể thi đấu cho đội tuyển Việt Nam nếu được trao cơ hội”.
Ngoài ra, có thông tin cầu thủ này cũng tính đến phương án về Việt Nam thi đấu tại các CLB trong nước nếu đạt được thỏa thuận.
U23 Việt Nam có thể cung cấp 4-5 cầu thủ cho HLV Park Hang-seo
Đó là phát biểu của HLV Đinh Thế Nam trong cuộc họp báo sau trận thắng 7-0 của U23 Việt Nam trước U23 Singapore.
“Lực lượng hiện tại có thể cung cấp từ 4 đến 5 gương mặt chất lượng cho giải đấu tới. Tuy nhiên, việc chọn ai là quyết định của HLV trưởng Park Hang-seo”, ông Nam nói. “Giải đấu tới” ông Nam nhắc đến có thể hiểu là Seagame tổ chức vào tháng 5/2022, khi đó ông Park sẽ dẫn dắt đội U23 +3 bảo vệ huy chương vàng.
U23 Việt Nam gặp U23 Thái Lan – đội nào có “3 cái hơn” sẽ thắng
Nhật định về U23 Thái Lan, ông Nam phân tích: “Đội hình mà U23 Thái Lan mang đến giải này có tuổi đời còn rất trẻ, nhưng vẫn là thế lực của Đông Nam Á. Các cầu thủ của họ đã thi đấu với nhau nhiều năm rồi, điều đó được thể hiện rõ ràng qua cách chơi, sự gắn kết qua các tình huống bóng. U23 Thái Lan cũng thi đấu với sơ đồ 4-3-3.
Tôi nghĩ cơ hội cho hai đội là 50-50, đội nào tận dụng cơ hội tốt hơn, tinh thần tốt hơn và cộng thêm may mắn sẽ giành được thắng lợi”.
CĐV Singapore tự hào dù đội nhà thua đậm
Sau trận thua 0-7 trước U23 Việt Nam, các cầu thủ U23 Singapore được nhiều cổ động viên nước nhà động viên, an ủi.
“Hãy ngẩng cao đầu và chơi trận tiếp theo với niềm kiêu hãnh. Với chỉ 14 cầu thủ, trong đó hai người dự bị là thủ môn, nhiệm vụ chẳng hề dễ dàng. Nhưng tôi vẫn tự hào vì Singapore đã thi đấu đến cuối cùng”, tài khoản @Amran Addin bình luận trên fanpage LĐBĐ Singapore (FAS).
Tài khoản @Faris Razak viết: “Hãy đứng thẳng và tự hào, các chàng trai Singapore, vì các bạn đã cố tận lực”.
VnExpress cũng tìm thấy những bình luận tích cực như vậy ở trang của FAS trên Instagram. Tài khoản @Deepan Raj bình luận: “Tự hào về các bạn, những chú sư tử. Hy vọng chấn thương và Covid-19 không ảnh hưởng đến các bạn ở SEA Games sắp tới. Chúng ta đang sở hữu đội hình và những cầu thủ tốt. Nhưng họ đều phải nghỉ thi đấu vì Covid-19. Thật tuyệt khi Singapore không bỏ giải. Hãy học hỏi và chiến đấu, còn hơn là đầu hàng”.
Tại sao Trung Quốc muốn phóng đại thông tin cầu thủ của họ bán độ trận thua Việt Nam?
Sau trận thua Việt Nam 1-3 trên sân Mỹ Đình ngày đầu năm, báo giới Trung Quốc đăng nhiều bài đổ lỗi cầu thủ. Nhiều bài báo đặt vấn đề nghi vấn cầu thủ Trung Quốc thua Việt Nam vì bán độ.
Mới đây hãng truyền thông 163.com còn đăng bài với tiêu đề: “Trừng phạt thật nặng 3 cầu thủ! Một lệnh cấm suốt đời được khuyến khích và LĐBĐ Trung Quốc đang mở rộng điều tra”. Theo bài báo, 3 người bị cho là “bán độ” gồm thủ môn Yan Junling, hậu vệ Wang Shenchao, và đội trưởng Wu Xi.
Dù vậy, chưa có những bằng chứng ngoài sân cỏ nào chứng minh các cáo buộc trên là có cơ sở.
Giới quan sát cho rằng, có thể Trung Quốc muốn phóng đại nghi vấn nêu trên để che đi nỗi xấu hổ về một nền bóng đá yếu kém và bạc nhược. Họ cần một số cá nhân hứng chịu chỉ trích, thay vì cả một hệ thống nhận lỗi và sửa sai. “Đổ lỗi cho sự tha hóa của vài cá nhân để xoa dịu dư luận và tránh sự tủi hổ về quốc thể là một cách hành xử phổ biến ở Trung Quốc đương đại. Điều này phổ biến ở mọi lĩnh vực tại Đại lục”, một nhà quan sát cho hay.