Không còn màu xanh mướt bao phủ như thuở nào, thời gian gần đây hơn 30 ha rừng ngập mặn, với hàng trăm cây cổ thụ tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam đang chết mòn mà không rõ nguyên nhân.
- Giám đốc HTX ở TP.HCM tự ý cấp ‘giấy thông hành’ gửi con gái
- Không xuất khẩu được, hàng vạn cành hoa Đà Lạt xay làm phân bón
- Nữ cầu thủ Việt giải nghệ ở tuổi 18 vì bạo bệnh: ‘Nếu không uống thuốc, em sẽ chết’
Rừng ngập mặn vươn mình che chở dân chài qua bão lũ
Từ trung tâm huyện Núi Thành, theo quốc lộ 1 hướng xuống biển khoảng 10km sẽ gặp khu rừng ngập mặn nguyên sinh rộng hơn 50ha với nhiều cây mắm, đước, bần, cốc thuộc vào hàng cổ thụ nằm chen chúc, rậm rạp.
Theo người dân địa phương, rừng ngập mặn Tam Giang có từ hàng trăm năm trước. Có những cây mắm, cây bần có tuổi đời hơn 300 năm có đường kính từ 30-50cm bám rễ sâu vào lòng đất mẹ để che chắn, bảo vệ bình an cho dân chài nơi đây bình an qua mùa gió bão.
Chia sẻ với báo Tài Nguyên và Môi Trường, ông Phạm Văn Châu, Chủ tịch xã Tam Giang cho biết: Những năm qua, cánh rừng ngập mặn này như một bức bình phong “án ngữ” che chắn cho người dân thôn Đồng Xuân. Đợt bão số 9 năm 2019, ai cũng nghĩ Đồng Xuân sẽ bị “sập làng” vì sóng xô gió giật quá mạnh. Thế mà làng vẫn bình yên.
“Nếu không có rừng ngập mặn Tam Giang, đoạn đê 4617 dài 150 m đã bị sóng đánh tan hoang. Gió mạnh, sóng lớn xô dạt dữ dằn mà vẫn không hề hấn gì. Những đoạn không có rừng ngập mặn thì sức công phá rất lớn”- ông Châu nói.
Ngoài việc che chở xóm làng trước sóng to bão lớn, chống xâm thực mặn… rừng ngập mặn còn đem lại nguồn thuỷ sản là kế sinh nhai cho dân lành vùng Tam Giang qua bao thế hệ.
Rừng đang chết mòn không rõ nguyên nhân
Thế nhưng, thời gian gần đây, cánh rừng được người dân xem là “báu vật” này đang chết mòn. Màu xanh bao phủ của rừng giờ chỉ còn lại là những cụm mắm, bần, đước với nhiều độ tuổi khác nhau chết trụi lá, gốc cây khô héo, thân đen đúa, khẳng khiu oằn mình, leo lắt giữa mênh mông nơi cửa biển…
Nhìn những cây cổ thụ trong rừng chết dần, ông Nguyễn Văn Chính (64 tuổi, thôn Đông Xuân) cho biết, trước đây chỉ có lác đác vài cây già rồi chết, nhưng năm nay sau hai cơn bão vào tháng 10/2020 thì hàng loạt cây bị rụng lá rồi chết dần.
“Chúng tôi cũng không biết nguyên nhân vì sao những cây trong rừng ngập mặn lại chết nữa, thấy rừng cây xanh ngắt, giờ trơ trụi mà tiếc. Cứ đà này, một thời gian nữa rừng ngập mặn tại đây có nguy cơ chết sạch”, ông Chính tâm sự với phóng viên báo Tuổi Trẻ.
Cũng như tâm trạng ông Chính, ông Trung (42 tuổi) lòng đau đáu khi mảnh rừng quê hương ngày càng trơ trọi, bởi nơi đây còn là nơi ông gắn bó mưu sinh, song từ ngày cây chết khô, thủy hải sản không còn nhiều.
“Ngày trước cây cối dày đặc xanh tốt nên cá, cua, tôm… về sống nhiều song nay cạn kiệt. Bủa lưới cả buổi chỉ đủ phục vụ bữa ăn cho gia đình, không có bán”, ông nói và cho biết thêm nhiều loài chim không còn bay về đây trú ngụ.
Thống kê của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Núi Thành, rừng ngập mặn ở xã Tam Giang có diện tích hơn 50 ha. Trong đó, 25 ha rừng tự nhiên đã chết khoảng 7,5 ha; rừng trồng mới 26 ha, chết hơn 25 ha.
“Chúng tôi đã khảo sát, đánh giá song vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân vì sao cây rừng lại bị chết”, đại diện Phòng nông nghiệp nói.
Nguyên nhân rừng chết vẫn còn là câu hỏi đang bỏ dở, dân chài hằng ngày nhìn cây rừng lụi dần mà ngậm ngùi. Xa xa nơi giữa rừng, những cây bần, cây mắm cổ thụ còn lại đang cố “vẫy vùng” để sống, để bám trụ, để chờ đợi cơ hội hồi sinh.