Giới phân tích nhận định Châu Phi vừa dính bẫy nợ, vừa trở thành nạn nhân của mạng lưới tuyên truyền dày đặc của chính quyền Trung Quốc.

Trong bài bình luận đăng trên The Epoch Times ngày 7/12, nhà nghiên cứu Eric Louw, người từng giảng dạy tại các trường đại học Nam Phi, Úc, cho biết: “Bắc Kinh đưa châu Phi vào tầm ngắm vì châu lục này có các nguồn lực cần thiết để thực hiện tham vọng cường quốc của Trung Quốc”.

Vì vậy, Bắc Kinh đã rót rất nhiều tiền để đưa Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) xâm nhập vào châu Phi. Trọng tâm cốt lõi của BRI ở châu Phi là xây dựng đường sắt, đường bộ, cảng biển, sân bay và nhà máy điện để phục vụ các mỏ khoáng sản, mỏ dầu và trang trại do Trung Quốc làm chủ, sau đó chuyển các sản phẩm đến Trung Quốc.

Các dự án BRI của Trung Quốc gây ra nhiều tai tiếng trên thế giới, hình ảnh của Bắc Kinh đã bị sụt giảm nghiêm trọng tại nhiều nước. Tại châu Phi, bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc vẫn khá thành công trong việc đánh bóng hình ảnh cho Bắc Kinh.

Ông Louw cho biết: “Các nỗ lực quyền lực mềm của Trung Quốc đã thất bại ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Nhưng ở châu Phi, Bắc Kinh đã gặt hái được nhiều thành công.”

Trung Quốc lợi dụng tâm lý chống thực dân của người châu Phi

Ông Louw đã chỉ ra “một lý do tại sao quyền lực mềm của Bắc Kinh phát huy tác dụng ở châu Phi”. Đó là việc Trung Quốc lợi dụng tâm lý “chống thực dân” của người châu Phi để tuyên truyền chống lại các nước phương Tây, trong khi giành cảm tình của họ với Trung Quốc.

“Bộ máy quyền lực mềm của Bắc Kinh ở châu Phi đã học cách tận dụng ác cảm đối với người phương Tây và chủ nghĩa tư bản”, ông Louw viết.

Ông cho rằng điều này còn bao gồm cả việc dùng quân bài phân biệt chủng tộc để cho thấy châu Á, châu Phi đều là nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc phương Tây.

Trung Quốc đầu tư mạnh vào ngành truyền thông châu Phi

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đầu tư vào ngành truyền thông ở châu Phi, tuyển dụng người dân địa phương vào mạng lưới truyền thông của Bắc Kinh.

Tháng 11 năm 2021, Trung Quốc có 2 bước phát triển mới quan trọng trong việc mở rộng bộ máy quyền lực mềm của Trung Quốc. Một là việc khai trương văn phòng Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc (CMG) tại Nairobi, Kenya. Thứ hai, là ra mắt của Diễn đàn Hợp tác Truyền thông CMG.

Diễn đàn này quy tụ các chuyên gia truyền thông từ 40 quốc gia châu Phi, tạo ra các thỏa thuận với 36 tổ chức truyền thông trên khắp lục địa, bao gồm các thỏa thuận hợp tác; các thỏa thuận chia sẻ nội dung; các thỏa thuận đồng sáng tạo; và các thỏa thuận cho phép Bắc Kinh đào tạo cho các đối tác châu Phi.

Các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đã thành lập văn phòng tại các nước châu Phi. Đáng chú ý, mạng lưới này sử dụng rất nhiều các nhà báo châu Phi. Như vậy, các chương trình của Bắc Kinh có vẻ đáng tin cậy hơn trong mắt khán giả địa phương.

“Bằng cách điều hành một mạng lưới lớn các nhà báo làm việc cho Bắc Kinh tại châu Phi, chế độ này đã có thể cung cấp nội dung tin tức miễn phí cho các phương tiện truyền thông châu Phi. Điều này đã cung cấp cho Bắc Kinh một công cụ tuyên truyền mạnh mẽ.”

Châu Phi trở thành nạn nhân của chính quyền Trung Quốc

“Bắc Kinh có mọi lý do để hài lòng về mức độ thành công của các sáng kiến ​​quyền lực mềm (tại châu Phi)”, theo ông Louw.

Ông cho rằng, với các dự án BRI và quyền lực mềm, “Bắc Kinh lại tiến gần hơn đến việc trở thành đế quốc lợi dụng châu Phi và khai thác các nguồn tài nguyên của nó.”

Một số nước châu Phi đã chính thức dính bẫy nợ Trung Quốc. Ví dụ, Bắc Kinh có thể sẽ sớm tiếp quản sân bay quốc tế duy nhất Entebbe của Uganda do nước này không trả nổi khoản nợ 200 triệu đô la từ Trung Quốc.

“Châu Phi được coi là nạn nhân chính của cuộc lạm dụng toàn cầu mới này của Trung Quốc”, theo học giả Amitai Etzioni, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington, Mỹ, bình luận trên The Diplomat.