Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chính sách này dự kiến khiến ngân sách hụt thu gần 122.000 tỉ đồng.
- Khách sạn bốc cháy lúc nửa đêm, cảnh sát phá cửa cứu sống 4 người mắc kẹt
- Xe khách giường nằm lật ngửa trên quốc lộ 55, 24 người may mắn thoát nạn
- Quảng Nam: Người phụ nữ dùng dao đâm chồng giữa đêm, sau đó tự thú tại công an
Tóm tắt nội dung
Giảm VAT còn 8%: Hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng
Sáng 13/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình Quốc hội tờ trình về dự thảo nghị quyết tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức 10%, kéo dài đến hết ngày 31/12/2026.
Theo đề xuất, các hàng hóa, dịch vụ hiện chịu mức thuế VAT 10% sẽ được giảm xuống còn 8%. Chính sách này được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, Việt Nam cũng chịu tác động khi Mỹ công bố các biện pháp thuế đối ứng.

Mở rộng phạm vi áp dụng, loại trừ một số nhóm hàng hóa đặc biệt
Chính phủ nhấn mạnh nguyên tắc giảm 2% chỉ áp dụng với hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%, đồng thời mở rộng thêm nhóm được hưởng lợi, bao gồm hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh, du lịch và tiêu dùng.
Tuy nhiên, chính sách sẽ không áp dụng cho các mặt hàng là tài nguyên, khoáng sản (trừ một số sản phẩm đặc biệt phục vụ sản xuất như khai khoáng không bao gồm than, sản phẩm kim loại). Ngoài ra, các dịch vụ viễn thông, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản hay hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng) cũng tiếp tục nằm ngoài danh sách được giảm thuế.
Thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 1/7/2025 đến hết 31/12/2026. Dự báo việc giảm thuế VAT lần này sẽ khiến ngân sách nhà nước hụt thu khoảng 121.740 tỉ đồng trong 18 tháng thực hiện.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính: Cần thiết nhưng tránh tạo tiền lệ không ổn định
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính do ông Phan Văn Mãi trình bày cho biết đa số ý kiến ủng hộ chính sách giảm thuế VAT nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất – kinh doanh, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy vậy, cũng có ý kiến cảnh báo việc liên tục gia hạn và kéo dài chính sách giảm thuế có thể tạo tiền lệ không tốt, làm chính sách thiếu nhất quán, ảnh hưởng tới tính bền vững của hệ thống thuế.
Ủy ban kiến nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục các vướng mắc trong thực thi, đặc biệt với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang bị loại trừ, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, dễ thực hiện và tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Theo: Suckhoedoisong