Một trận mưa lớn, kéo dài tới 2-2,5 ngày có thể sắp xảy ra đem đến rất nhiều nguy cơ, thiệt hại cho hàng loạt tỉnh thành ở Miền Trung.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy – Chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, vừa nhận định (*) về dấu hiệu một đợt mưa lớn từ ngày 9-13/10.

Theo TS. Huy, khoảng 8/10 sẽ có đợt không khí lạnh từ phương Bắc tràn về khiến nhiệt độ vùng núi phía Bắc giảm xuống còn 15-16⁰C. Đây là đợt không khí lạnh sớm đầu tiên trong năm 2022. Cũng thời điểm này, đới gió Đông Nam mang hơi ẩm từ xích đạo đi lên và khả năng sẽ giao thoa với gió Đông Bắc lạnh hình thành dải hội tụ nhiệt đới ở Bắc Trung Bộ, khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Nếu điểm hội tụ gặp nhau ở trên biển thì sẽ là may mắn cho bà con Bắc miền Trung. Nhưng nếu chẳng may chúng gặp nhau trong đất liền thì sẽ tạo ra những trận mưa như trút nước liên tục 2 – 3 ngày liền ở khu vực này. Mưa sẽ dịch chuyển dần theo hướng từ Bắc vào Nam theo phạm vi mà không khí lạnh hướng đến.

TS. Huy nhận định, nếu điều “chẳng may” xảy đến, mưa lớn khả năng bắt đầu từ ngày 9/10 tại Nghệ An sau đó mưa lan dần tới Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Huế. Ở mỗi tỉnh mưa có thể duy trì trong khoảng 2-2,5 ngày. Thời gian có thể thay đổi do tốc độ di chuyển của các đới gió có thay đổi.

Với lượng mưa lớn liên tục trong 2-3 ngày sẽ có nguy cơ rất lớn về ngập lụt và sạt lở trong bối cảnh các hồ chứa đang đầy và nền đất ướt sũng không có khả năng thấm nước thêm.

Cũng vào thời điểm này là thời gian trăng tròn, thủy triều lên cao, nước thoát chậm ra biển.

Một chiếc xe hơi trong dòng lũ cuồn cuộn ở Nghệ An (ảnh: FB Nghệ An)

Người dân cần chuẩn bị những gì?

Chuyên gia khuyến cáo: Các hồ chứa ở khu vực bắc Trung Bộ cần được hạ mực nước để đón lũ, tránh trường hợp phải xả nước trong khi mưa lụt đang diễn ra và thủy triều đang cao. Kinh nghiệm từ các năm trước cho thấy nếu các thủy điện và hồ chứa thủy lợi không hạ mực nước sớm thì bắt buộc phải xả lũ để bảo vệ đập. Lúc đó cả 3 yếu tố bất lợi: nước hồ, nước triều và nước trời cùng dồn vào làng vào phố thì nước không biết đi đâu cả.

Các cơ quan chức năng cần thiết lập kênh liên lạc, thông báo tình hình diễn biến mưa lũ đến người dân từng thôn bản, cập nhật cảnh báo thường xuyên và khuyến cáo người dân cách phòng chống, sơ tán nếu cần thiết. Nỗi sợ nhất của người dân là lúc lụt lên mà không biết lụt có lên tiếp không và khi nào hết lụt. Nội dung thông báo lũ lụt trên loa phát thanh cần được chuẩn bị trước, nên phát những gì hữu ích nhất.

Các cơ quan chức năng, các nhóm tình nguyện cần chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhu yếu phẩm, kế hoạch đề phòng phải ứng cứu người dân trong tình huống khẩn cấp.

Người dân ở vùng có nguy cơ ngập lụt cần chuẩn bị nhu yếu phẩm để dùng trong 1 tuần. Những nhu yếu phẩm đó như của để dành dùng trong mùa thiên tai. Nếu không phải dùng đến là may, đợi hết tháng 11 mang ra dùng cũng không phí. Mỗi nhà chuẩn bị một cơ số nhu yếu phẩm như vậy thì sau lụt chẳng cần sự hỗ trợ khẩn cấp của ai cả.

(*). Nội dung dẫn từ bài viết của TS Nguyễn Ngọc Huy trên kênh FB cá nhân của anh – một địa chỉ anh thường dùng thông báo tới người dân về các cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan xảy ra tại Việt Nam.