Các nước không nên tin bất kỳ cam kết nào của Trung Quốc ở Biển Đông, kể cả Bộ Quy tắc ứng xử COC mà Bắc Kinh dự kiến sẽ ký kết với các nước Đông Nam Á, theo tiến sĩ James Holmes, Chủ tịch J. C. Wylie về Chiến lược Hàng hải tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ.

(Mời quý độc giả nghe audio bài viết)

Mở đầu bài bình luận đăng trên trang 19fortyfive ngày 30/10, ông Holmes đề cập đến các tin tức cho rằng Trung Quốc sẵn sàng ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông với các nước Đông Nam Á.

Tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-ASEAN lần thứ 24 (trực tuyến) vào tháng 10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu rằng năm 2022 là năm kỷ niệm 20 năm ngày ký “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”.

Đó là một bản tuyên bố về các nguyên tắc chi phối sự tương tác giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc. Các bên cam kết vận dụng các công cụ pháp lý ở Biển Đông; như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS); đồng thời cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán của mình bằng các biện pháp hòa bình; không đe dọa hay sử dụng vũ lực với nước khác. Các hoạt động tương tác cần phải phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận chung, gọi là “Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC). Giờ đây, hai bên đang hướng tới một thỏa thuận mới gọi là “Bộ Quy tắc ứng xử về Biển Đông” (COC).

Tuy nhiên, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong nhiều năm qua cho thấy Bắc Kinh không có ý định thực hiện những cam kết của mình.

“Các sự kiện cho thấy sự dối trá trong những lời lẽ thiện chí phát ra từ Bắc Kinh”, ông Holmes viết.

“Hãy cùng điểm lại một số hành động mà Trung Quốc đã thực hiện kể từ khi họ tuyên bố trở thành một nước láng giềng tốt trên biển”:

2009: Yêu sách đường 9 đoạn

Năm 2009, Đảng Cộng sản Trung Quốc đệ trình một lá thư và bản đồ lên Liên Hiệp Quốc nhằm tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông.

“Đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đưa ra bao phủ khoảng 80-90 phần trăm Biển Đông; bao gồm cả những khu vực rộng lớn trong “vùng đặc quyền kinh tế” mà UNCLOS đã phân chia cho các quốc gia Đông Nam Á láng giềng.

Yêu sách đường lưỡi bò vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Yêu sách đường lưỡi bò vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc lấy đâu ra “căn cứ cho một yêu sách ngông cuồng như vậy?”. Ông Holmes cho biết cái gọi là bằng chứng khảo cổ học và các hiện vật lịch sử mà Trung Quốc đưa ra có nguồn gốc rất đáng ngờ. Nhưng ĐCSTQ lại lấy chúng ra để chứng minh rằng các vùng biển và đảo ở Biển Đông đã thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa.

Tuy nhiên, Luật Biển có quy định rõ ràng về những tuyên bố như vậy đối với chủ quyền trên biển. “Không ai sở hữu biển cả; các quốc gia ven biển chỉ thực hiện quyền tài phán đối với nước và đáy biển theo các thuật ngữ được nêu trong UNCLOS. Tuy nhiên, Bắc Kinh kiên quyết áp dụng Luật biển theo kiểu khiến các quốc gia ven biển khác phải chịu thiệt hại”, theo ông Holmes.

Ấy vậy mà “ĐCSTQ đã long trọng tuyên bố rất trung thành với các giao ước quốc tế”.

2012: Thủ đoạn chiếm đảo

Năm 2012, các tàu của cơ quan thực thi hàng hải Trung Quốc (sau này được hợp nhất thành Cảnh sát biển Trung Quốc) đã giành giật bãi cạn Scarborough, từ tay Hải quân và Cảnh sát biển Philippines. Scarborough là một bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Khi làm như vậy, Trung Quốc bắt đầu kỷ nguyên “hoạt động trong vùng xám”, theo ông Holmes.

“Trung Quốc ngừng bắn tên lửa, cũng không nổ súng; nhưng sử dụng một lượng lớn các tàu tuần duyên hoặc tàu dân quân biển để ‘siết chặt’ các đảo do nước khác nắm giữ.”

Có nghĩa là, Trung Quốc dùng các tàu không vũ trang hoặc có trang bị vũ khí hạng nhẹ để bao vây các đối tượng địa lý bị tranh chấp. Các tàu Trung Quốc ngăn không cho những tàu khác xâm nhập vào vòng vây này. Các tàu Trung Quốc sẽ buộc các đơn vị đồn trú của nước khác bị lâm vào tình trạng đói khát và phải bỏ cuộc. Như vậy thủ đoạn của Trung Quốc đã thành công. Sau đó, Trung Quốc sẽ vào thực thể tranh chấp đó để cắm cờ Trung Quốc.

Ngoài ra, giả sử, khi một tàu khảo sát của Trung Quốc thăm dò tìm dầu mỏ, khí đốt trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia Đông Nam Á; thì các tàu cảnh sát biển hoặc tàu dân quân tạo thành một tuyến phòng thủ để ngăn không cho hải quân hoặc lực lượng bảo vệ bờ biển của quốc gia ven biển trục xuất tàu khảo sát Trung Quốc.

Chuyên gia quân sự Holmes cho biết những phương pháp như vậy khiến quốc gia ven biển có ba lựa chọn:

  • Một là lùi bước và từ bỏ các quyền lợi của mình.
  • Hai là cố gắng vượt qua phòng tuyến của Trung Quốc dù phía Trung Quốc đông hơn.
  • Hoặc ba là dùng đến súng đạn hoặc tên lửa. Nhưng trong trường hợp này, Trung Quốc sẽ lu lua rằng nước đó là kẻ xâm lược. Sau đó, Bắc Kinh sẽ có cớ để đem quân đội Trung Quốc tới chinh phạt nước đó.

“Nói cách khác, Trung Quốc từ bỏ các phương pháp bạo lực công khai như đấu súng để nâng cao mục tiêu địa chính trị của mình trong khi tránh gây tranh cãi”, theo ông Holmes.

Chuyên gia Mỹ bình luận: “Đảng Cộng sản Trung Quốc thường tuân thủ các hiệp ước quốc tế khi chúng phù hợp với mục đích của Trung Quốc; và bãi bỏ chúng khi chúng không phù hợp với mục đích của Trung Quốc.”

2013: Xây dựng đảo nhân tạo

Bắt đầu từ năm 2013, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo dựa trên các bãi đá ngầm, đảo san hô và các đặc điểm dưới biển mà họ kiểm soát.

Năm 2015, Tập Cận Bình cam kết với chính quyền Obama không quân sự hóa các đảo nhân tạo của mình. Nhưng sau đó, họ đã trang bị chúng để làm căn cứ tổ chức tiền phương cho các tàu và máy bay quân sự, bán quân sự và phi quân sự.

Ông viết đó “chính xác là những công cụ mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để bắt nạt các nước châu Á từ bỏ các quyền và đặc quyền của họ theo UNCLOS và các thỏa thuận ràng buộc khác.”

2016: Bác bỏ Phán quyết về Biển Đông

Năm 2016, Trung Quốc không chấp nhận thi hành phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực có trụ sở tại La Hay, một tòa án được trao quyền giải thích Luật Biển. Phán quyết đã bác bỏ phần lớn các yêu sách của Trung Quốc đối với quyền tài phán Biển Đông.

Sau đó, Bắc Kinh sử dụng vũ lực theo những cách phi kịch tính nhằm thúc đẩy các yêu sách trên biển của mình; đồng thời duy trì lực lượng vũ trang lớn để phòng thủ.

Ông Holmes cho biết Trung Quốc làm như vậy bất chấp các luật quốc tế mà nó đã cam kết, chưa kể đến các phán quyết từ các tòa án có thẩm quyền.

‘Đừng tin những gì ĐCSTQ nói’

“Nếu Luật Biển — một văn bản được coi là “hiến pháp cho đại dương” — không phải là bức tường thành chống lại tình trạng vô pháp vô thiên của Trung Quốc, thì những cam kết mơ hồ, không chính thức như Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông thì càng không thể làm được gì”, theo ông Holmes.

“Vì vậy, hy vọng các nhà lãnh đạo Đông Nam Á không tự huyễn hoặc rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đồng ý từ bỏ các mục tiêu mà nó cho là quan trọng hàng đầu thông qua Bộ Quy tắc ứng xử. Nó sẽ không làm thế.”

“Lịch sử đã hết lần này đến lần khác chứng minh rằng các cam kết của ĐCSTQ đối với các nguyên tắc cao cả đều có thể bị vứt bỏ. Giới lãnh đạo (Đảng Cộng sản Trung Quốc) chỉ tôn vinh các nguyên tắc khi họ cần và bác bỏ chúng khi họ không cần”, theo chuyên gia quân sự James Holmes.