Người xưa có câu: Thiện hữu thiện báo, ác giả ác báo. Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy, liệu nhân quả có thật sự tồn tại hay không?
- Thiện lương là sự lựa chọn: Buông bỏ đi, không sao cả, rồi sẽ qua
- Người thuận theo tự nhiên thì ắt mọi việc bình an
Chuyến ngao du của chàng trai Narad
Ngày xưa, ở Ấn Độ thời cổ đại có một chàng trai tên là Narad Ji. Anh ta là một người thích ngao du thiên hạ, đi đây đi đó để học hỏi những điều mới mẻ và làm giàu vốn sống của mình.
Một ngày kia, khi đang đi trên đường, Narad phát hiện thấy một con bò đáng thương bị mắc kẹt ở đầm lầy trước mặt. Con bò đang vùng vẫy cố gắng để thoát khỏi vũng lầy; nhưng càng cố nó lại càng trở nên đuối sức hơn và rồi đành bất lực chịu thua.
Trong khi Narad chưa kịp tiến đến để giúp đỡ nó, thì bỗng một người đàn ông xuất hiện. Thực ra, đó là một tên trộm có vẻ ngoài láu cá.
Người làm việc xấu sao lại gặp may mắn?
Vừa nhìn thấy con bò xấu số, hắn đã vui mừng reo lên. Tên trộm không chút do dự, hắn nhanh chóng leo lên lưng con bò tội nghiệp và bước sang bờ bên kia; người này cũng chẳng làm gì để giúp con vật tội nghiệp thoát khỏi nơi nó đang bị mắc kẹt.
Vừa đặt chân xuống đất, thì tên trộm lại mừng rỡ hơn khi phát hiện ra một cái túi đựng vài đồng tiền vàng ở trước mặt. Hắn reo lên sung sướng, nhanh tay đút gọn những đồng tiền vàng vào túi; sau đó vui vẻ nhảy chân sáo đi mất trước sự chứng kiến ngỡ ngàng của Narad.
Người làm việc tốt cớ chi gặp bất hạnh?
Narad lắc đầu nhìn theo, trong lòng cảm thấy có chút dư vị gì đó. Khi anh chuẩn bị chạy đến giúp đỡ con bò, thì đột nhiên một người đàn ông khác xuất hiện. Anh nhìn kỹ thì thấy người này là một thầy tu, với điệu bộ chậm rãi và từ tốn. Vừa nhìn thấy con bò mắc kẹt, vị ấy liền bỏ lại hành lý ở bên đường, sau đó tìm cách để đưa con vật đi ra khỏi vũng lầy. Chỉ một lúc sau, con bò đã có thể bước đi trên mặt đất nhờ sự trợ giúp của thầy tu.
Thế nhưng, sau khi giúp đỡ được con vật và đi được vài bước; vị thầy tu ngoái lại nhìn, do không để ý nên đã bị ngã xuống hố. Narad kinh ngạc, chạy đến giúp vị thầy tu; lúc ấy trong đầu anh bắt đầu thắc mắc: Tại sao người làm việc tốt thì lại gặp chuyện bất hạnh? Còn kẻ xấu thì lại gặp may? Anh lần này nhất định phải đi tìm câu trả lời.
Cuộc gặp gỡ giữa chàng trai và Thần Vishnu
Mang theo nỗi băn khoăn, Narad Ji đi tìm gặp Thần Vishnu – một trong những vị thần quan trọng nhất của đạo Hindu.
Anh kể lại tất cả những gì mình được chứng kiến cho Thần Vishnu nghe rồi hỏi rằng: “Thưa Thần Vishnu, con không thể hiểu được lý do. Tại sao vị thầy tu đáng kính, đức độ làm hết sức để cứu con bò thoát khỏi đầm lầy đã không được trả ơn; lại còn gặp chuyện chẳng may ngã xuống cái hố đó rất đau? Trong khi tên trộm láu cá chẳng làm gì để cứu con bò, còn tàn nhẫn giẫm lên lưng nó để sang bờ bên kia, thì lại may mắn nhặt được mấy đồng tiền vàng?
Vậy chẳng phải điều này quá vô lý sao? Vậy ai còn tin nhân quả và muốn làm việc tốt và làm người tốt nữa?”. Narad không thể giấu được sự bức xúc trong lòng.
Chàng trai đã hiểu ra đạo lý nhân quả
Thần Vishnu nghe xong những thắc mắc của Narad, liền mỉm cười và trả lời rằng:
“Ngươi mới chỉ nhìn thấy những sự việc diễn ra trước mắt; chưa hiểu nguyên nhân bên trong mà phỏng đoán nên cảm thấy đây là sự bất công. Tuy nhiên, ta lại có thể nhìn được nhiều hơn thế. Tên trộm kia kiếp trước làm được nhiều việc tốt; kiếp này lẽ ra anh ta sẽ phát hiện được cả 1 kho báu; nhưng vì anh ta chọn sống ích kỷ, nhỏ nhen, tư lợi nên kết quả chỉ nhận được vài đồng vàng. Trong khi đó, vị thầy tu kia đã đến ngày tận số; lẽ ra hôm nay sẽ phải bỏ mạng ở nơi này nhưng vì thấy con bò gặp nạn mà ra tay cứu giúp, nên vận số được hóa giải; chỉ còn là một cú ngã nhẹ mà thôi. Ngươi còn thấy cuộc đời này bất công nữa hay không?”
Narad Ji đã hiểu ra tất cả nguyên nhân bên trong chuyện này. Anh vái lạy thần Vishnu và lại tiếp tục lên đường.
Nhân quả rất công bằng, nhưng con người nhìn không thấy
Nhân quả không phải là điều mà con người có thể nhìn thấy; chỉ có Thần Phật mới thấy được ngọn nguồn nguyên nhân của sự việc. Do vậy, mỗi người chỉ cần làm cho tốt việc mà bản thân cần làm; những điều khác, vốn đã có an bài của Trời xanh.
Đừng vì không thấy nhân quả mà chúng ta không tin, nó sẽ đi theo bất kỳ ai như hình với bóng. Còn nếu chưa thấy nhân quả báo ứng xuất hiện thì chỉ là chưa đến lúc mà thôi!