Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Cảnh giới cao nhất của trí huệ là thuận theo tự nhiên. Một câu trong cuốn “Tình canh vũ độc” (Trời nắng đi cày, trời mưa đọc sách) đã hàm chứa tâm huyết và trí huệ của Gia Cát Lượng, bậc trí giả nổi tiếng thời Tam Quốc. Thời xưa, nông dân đều sống chuỗi ngày an bình; mặt trời lên thì đi cấy cày, mặt trời lặn thì trở về nhà nghỉ ngơi. Trời mưa mọi người thường dành cả ngày để dưỡng sức.
Tóm tắt nội dung
Con người dường như không chịu khuất phục trước tự nhiên
Những người có chí tiến thủ thường say mê với những trang sách khi có cơ hội được nghỉ ngơi. Có một số người ở nông thôn lại đội mưa để cày ruộng, hay bón phân nhặt cỏ giữa trời gió mưa xối xả. Cách làm này thật là trái với ý trời, cái được chẳng bõ cho cái mất.
Con người ngày nay bận rộn với mưu sinh, nên tâm chẳng lúc nào được bình yên; bộn bề bao mối lo âu, khiến sinh hoạt bị đảo lộn đêm ngày. Cuối tuần bận triền miên không phải là điều lạ. Con người làm việc liên miên suốt thời gian dài là điều không phù hợp với quy luật tự nhiên.
Hiện tượng lao tâm khổ tứ, mệt nhọc căng thẳng tích tụ thành bệnh cũng trở nên quá đỗi quen thuộc. Một số người quá bận rộn thậm chí còn ghét trời mưa. Họ cho rằng trời mưa khiến họ không thể ra khỏi nhà, không thể đi xa; không thể làm được những việc họ mong muốn…
Tự nhiên sẽ không bao giờ thay đổi quy luật theo ý nguyện của con người. Trời muốn đổ mưa là điều mà con người không thể ngăn trở. Mưa giúp cho cân bằng môi trường sinh thái, mang sức sống mới cho cây cối. Do đó, dẫu rằng trời mưa sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch làm việc của con người, nhưng đâu đó vẫn còn có người cảm nhận được, cơn mưa như một khoảng trời cho tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi.
Càng đi ngược với tự nhiên, kết quả càng tồi tệ
Trong cuộc sống, những việc không thuận theo ý người có rất nhiều: Chuyện kinh doanh không đạt được mục tiêu ban đầu; người thân đau ốm, con cái không vâng lời. Có người sau khi đỗ đạt xong cũng không tìm được công việc, còn người may mắn tìm được việc thì lại không phù hợp với chuyên môn của mình.
Khi cuộc sống có những chuyện chẳng chiều lòng người, thì hãy lựa chọn thuận theo sự việc được an bài. Khi mọi việc thuận theo tự nhiên, chẳng cưỡng cầu, ngược lại sẽ có thể gặt hái những thành quả bất ngờ. Vậy nên cái gì cũng có nguyên nhân của nó.
Tục ngữ có câu “Cố ý trồng hoa hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu liễu xanh um”. Nhiều thứ quá cưỡng cầu nó lại sẽ mất đi, giống như cát trong lòng bàn tay; nắm tay càng chặt cát chảy càng nhanh. Kỳ thực cội nguồn của những phiền não trong tâm tưởng là mong muốn theo ý bản thân, không muốn thuận theo tự nhiên, không muốn chấp nhận sự an bài của đất trời.
Câu chuyện tiểu hòa thượng và vườn cỏ nơi thiền viện
Một câu chuyện Phật giáo kể rằng, cỏ trong thiền viện úa héo cả một vùng. Tiểu hòa thượng sốt sắng, thưa với sư phụ “Sư phụ, chúng ta mau rắc thêm hạt giống đi thôi”. Sư phụ bảo với cậu rằng “Con đừng có vội, lúc nào gieo cũng được, cứ để tự nhiên!”.
Quá trình trồng cỏ
Mùa thu đến, sư phụ mang hạt giống cỏ về cho tiểu hòa thượng đi rắc. Gió mùa thu nổi lên, hạt giống gieo tới đâu gió thổi bay tới đó. Tiểu hòa thượng vô cùng sốt ruột kêu lên: “Sư phụ, không hay rồi, rất nhiều hạt giống đã bị gió thổi bay đi mất”. Sư phụ rất từ tốn nói: “Không sao, những hạt cỏ bị thổi bay đa phần đều là hạt lép, dẫu có gieo xuống chúng cũng không thể lên mầm được. Lo gì chứ? Cứ để tự nhiên đi!”.
Gieo xong, chú tiểu phát hiện ra rất nhiều chú chim nhỏ bay đến ăn mất hạt giống. Cậu vô cùng lo lắng thưa với sư phụ “Hạt cỏ đều bị bọn chim ăn hết rồi, lần này thì hết thật rồi!”. Sư phụ vẫn rất điềm đạm “Không sao, hạt giống nhiều như thế, chúng làm sao ăn hết được? Cứ để tự nhiên!”.
Đến giữa đêm trời lại đổ một trận mưa xối xả. Mới sáng sớm tiểu hòa thượng đã xông vào thiền phòng “Sư phụ, lần này thì hỏng thật rồi, hết thảy hạt giống đều bị nước mưa cuốn đi!”. Sư phụ nói “Nước trôi đến chỗ nào cỏ sẽ nảy mầm đến đó. Cứ để tùy duyên!”.
Kết quả không như tiểu hòa thượng nghĩ
Một tuần lại qua đi, mảnh đất vốn trơ trọi đã được phủ bởi rất nhiều chồi cỏ non xanh biếc. Những góc vốn mà không gieo hạt cũng trải rộng mướt mát một màu xanh. Chú tiểu lại vui mừng vỗ tay hoan hô. Sư phụ vui vẻ xoa đầu cậu nhóc “Tùy hứng!”.
Thuận tự nhiên là lời giải cho mọi việc
Vậy khi gặp khó khăn mà chúng ta không tìm được cách giải quyết, thì hãy cứ để thuận theo tự nhiên. Cuối cùng thì vẫn là “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử từng giảng “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Tự nhiên chính là thế giới tồn tại khách quan và những quy luật bất biến sinh ra từ đó. Đạo thuận theo tự nhiên chính là khi hành sự cần thuận theo quy luật tự nhiên.
Cổ thi có thơ rằng: “Xuân có trăm hoa, Thu có trăng, Hạ có gió mát, Đông có tuyết. Trong tâm rỗi sự chẳng lo sầu, Ắt là trời đẹp cõi nhân gian”. Một năm bốn mùa xoay vần có biết bao cảnh sắc khiến lòng người phơi phới, mừng vui. Đôi khi chỉ vì mong cầu sự hoàn thiện hoàn mỹ mà rất nhiều người phải vắt óc suy nghĩ, lao tâm khổ tứ.
Khi gặp phải tình huống quan trọng, phức tạp, có người lo nghĩ đến mức ăn không ngon ngủ không yên, thậm chí không thể ngủ được suốt năm canh. Kỳ thực lúc này suy nghĩ lan man trăm mối lo lắng chẳng bằng buông thuận theo tự nhiên. Khi ấy lại có thể thấy được “Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”; ý tứ câu thơ nổi tiếng này là, khi bạn bước đến đường cùng, nếu dám bước tiếp sẽ lại thấy một lối thoát mới thênh thang và tràn ngập ánh sáng hạnh phúc.
Bạn chỉ cần sống tốt trời xanh tự khắc sẽ an bài
Dẫu con người chấp trước vào toan tính của mình thế nào thì kết quả cuối cùng chắc chắn là “Người tính chẳng bằng trời tính”. Mọi chuyện xảy ra đều là những chuyện cần phải xảy ra, những người đã đến đều là những người nên đến. Đó đều là những an bài phù hợp nhất.
Điều tốt nhất mà con người có thể làm là tu dưỡng bản thân theo tiêu chuẩn Chân, Thiện, Nhẫn. Cổ nhân có câu “Khi làm điều Thiện, dù Phúc chưa tới, nhưng Họa đã rời xa”.
Xem thêm: