Câu chuyện một nữ giáo viên ở An Giang bị tố ăn trộm điện thoại ‘xịn’ iPhone Promax rồi bán lấy tiền mua vàng, chơi game… đang khiến dư luận bàn tán xôn xao.
- Gã đạo chích ‘đen đủi’ bị chủ nhà tặng nguyên cú đá trời giáng
- Xem video nữ võ sĩ cao 1,44m bắt tên cướp điện thoại trên đường phố
Khi giáo viên bị tố là kẻ trộm…
Cô giáo bị tố cáo trộm cắp là V.T.K.C. – giáo viên Trường tiểu học “B” thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Theo báo Tuổi Trẻ, người dân địa phương tố cáo cô C. đánh cắp điện thoại di động hiệu iPhone Promax trị giá 37 triệu đồng.
Cụ thể, trên Facebook, bài viết của tài khoản H.U. được truyền đi nhanh chóng. Bài viết tố cáo cô C. đã lấy cắp điện thoại iPhone Promax trị giá 37 triệu đồng từ mùng 1 Tết Tân Sửu. Đến nay, người mất điện thoại nhiều lần đến nhà đòi chuộc lại nhưng cô C. không đồng ý. Cô C. bán điện thoại với giá 12 triệu đồng cho tiệm điện thoại N.T. lấy tiền tiêu xài, sắm vàng và chơi game. Sau đó, tiệm này bán lại chiếc iPhone Promax cho tiệm điện thoại ở Cần Thơ với giá 27 triệu đồng.
Vào trưa 24/3, một lãnh đạo Công an TP Long Xuyên, tỉnh An Giang xác nhận, vụ việc đang được điều tra. Nếu có vi phạm, sẽ xử lý hình sự. Phía công an đã có văn bản gửi UBND huyện Châu Thành và ngành giáo dục tỉnh An Giang để xử lý về mặt chính quyền đối với cô giáo này.
Phía UBND huyện Châu Thành cho biết, trường học nơi cô C. công tác đang làm rõ vụ việc. Cô C. cũng đã có tờ trình về sự việc trên.
Và câu chuyện mất trộm điện thoại của thầy giáo nghèo
Hoàn toàn không liên quan đến sự việc cụ thể trên, có chăng chuyện dưới đây cũng kể về một tình huống trộm cắp điện thoại. Và người trong cuộc cũng là giáo viên. Kể ra kèm với bản tin này, chỉ mong sao người xem có thể nhẹ lòng thêm đôi chút khi thời gian qua, phải đọc và chứng kiến nhiều chuyện buồn trong ngành giáo dục.
‘Những ngày cận Tết, gia đình thầy B. giáo viên một trường trung học phổ thông tại thị xã La Gi đã bị kẻ gian đột nhập vào nhà lấy trộm 2 chiếc điện thoại và một chiếc laptop.
Mất của ai chẳng xót nhất là với gia đình nhà giáo nghèo. Bỏ tiền ra mua lại điện thoại, laptop cũng mất vài tháng lương.
Dù thế, điều đáng tiếc nhất không phải là chuyện số tiền phải bỏ ra sắm lại mà là chiếc laptop lưu biết bao bài giảng điện tử để dạy học, danh sách học sinh, sổ theo dõi, giáo án lên lớp…
Thầy B. cho biết, tiền chưa có vẫn có thể vay mượn nhưng những tài liệu ấy mà làm lại thì tốn công phí sức vô cùng.
Đành liều thử vận may, thầy B. mượn chiếc điện thoại của người quen nhắn cho tên trộm đại ý rằng: 2 điện thoại của tôi anh có thể lấy (dù điện thoại khá tốt mới được con mua tặng) nhưng cho tôi xin lại chiếc laptop vì có rất nhiều tài liệu dạy học.
Chẳng hiểu đọc những dòng tin ấy, tên trộm đã nghĩ gì mà động lòng trắc ẩn nhắn lại: ‘Đúng 5 giờ, thầy tới địa điểm này…đi một mình và đừng báo công an sẽ nhận lại được’.
Quả thật, 5 giờ sáng thầy B. đã nhận lại chiếc laptop của mình tại nơi ấy.
Có người hỏi: ‘Sao không báo công an? Nếu báo chắc chắn họ sẽ tóm được đám này?’
Thầy B. cho biết: ‘Chắc trộm cũng nghèo như mình nên mới vào nhà nghèo trộm đồ.
Họ cũng còn nhân đạo trả lại, mình mà báo công an hóa ra lại nuốt lời cam kết? Mình lấy được tài liệu là quý rồi, tha cho họ đi’.
(Trích bài báo “Tên trộm và thầy giáo nghèo” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 24/1/2020)